Nhiều công trình thủy lợi xuống cấp, hư hỏng do thiếu vốn

Bình luận · 281 Lượt xem

THÁI BÌNH Tỉnh Thái Bình có nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp thuộc diện cấp bách, nhưng việc thực hiện lại chậm vì khó bố trí nguồn vốn.

Nhiều công trình xuống cấp

Hệ thống công trình thủy lợi nói chung và các công trình đê điều nói riêng của tỉnh Thái Bình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời có nhiệm vụ bảo vệ tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân khi xảy ra thiên tai.

Tuy nhiên, nhiều tuyến đê, cống đê, kênh do được xây dựng đã lâu, thường là trên 20 năm nên nhiều công trình đã xuống cấp. Điều này ảnh hưởng tới sản xuất, giao thông đi lại của bà con nhân dân. Trong đó có một số công trình mang tính cấp bách cần sửa chữa, nâng cấp.

Cống Nam Cường, công trình xuống cấp nghiêm trọng nhưng tỉnh Thái Bình không bố trí nổi 14 tỷ đồng đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cống Nam Cường, công trình xuống cấp nghiêm trọng nhưng tỉnh Thái Bình không bố trí nổi 14 tỷ đồng đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cụ thể như cống Nam Cường tại km16+500 đê biển 5, huyện Tiền Hải, vào tháng 9/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý cấp bách cho công trình này, với tổng số vốn khoảng 14 tỷ đồng.

Nhưng đến nay công trình chưa được khởi công xây dựng, vẫn trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng mái cống, hệ thống ngăn nước…, việc vận hành gặp khó khăn, ảnh hưởng tới hoạt động cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi thủy sản ở huyện Tiền Hải.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Thái Bình thông tin: Mặc dù công trình có giá trị đầu tư chỉ hơn 14 tỷ đồng, nhưng do nguồn ngân sách khó khăn nên tỉnh chưa bố trí được kinh phí đầu tư, dẫn tới chưa thể khởi công được. Dự kiến thời gian tới, UBND tỉnh sẽ cân đối khoảng 30% giá trị công trình (khoảng 4 tỷ) để có thể khởi công trong năm 2023, phần còn lại sẽ cân đối vào năm sau.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Thái Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Phạm Thanh Bình - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT tỉnh Thái Bình. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cấp bách thành "cấp chậm"

Một dự án cấp bách khác là Dự án “Xử lý cấp bách tuyến đê 1 xã Bình Thanh - Bình Định - Hồng Tiến, huyện Kiến Xương” được HĐND tỉnh Thái Bình đưa vào nghị quyết triển khai từ ngày 4/3/2021. Việc thực hiện dự án sẽ nâng cấp toàn bộ tuyến đê bối thành đê chính bảo vệ các xã Bình Thanh, Bình Định, Hồng Tiến đang nằm ngoài phía đê chính hiện nay.

Kinh phí thực hiện dự án lên tới gần 200 tỷ đồng, nhưng tỉnh Thái Bình không thể cân đối được nguồn ngân sách, vậy nên lại phải báo cáo lên các cơ quan Trung ương để xin nguồn vốn. Hiện nay cũng chưa biết chính xác khi nào dự án được khởi công.

Ông Cao Kim Duyên, người dân ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương phản ánh: Tuyến đường đê này người dân chúng tôi đi lại liên huyện giữa Kiến Xương - Tiền Hải và huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định (qua phà Cồn Nhất), nhưng đã xuống cấp từ nhiều năm nay, đường toàn ổ trâu.

Mặt đường tuyến đê bối Bình Thanh - Bình Định - Hồng Tiến xuống cấp và nhỏ hẹp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mặt đường tuyến đê bối Bình Thanh - Bình Định - Hồng Tiến xuống cấp và nhỏ hẹp. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mặt đường quá nhỏ hẹp, lòng đường rộng 4,5m nên xe ô tô không tránh được nhau, tất cả làm ảnh hưởng tới người đi lại, giao thương hàng hóa. Rất mong Nhà nước sớm đầu tư, mở rộng mặt đường đê để phục vụ bà con, phát triển kinh tế địa phương.

Ngoài ra một dự án cấp bách khác nhưng đang thành dự án “cấp chậm” do tỉnh Thái Bình không thể bố trí được nguồn ngân sách. Đó là Dự án Bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng sông Hồng thực hiện tại tỉnh Thái Bình.

Tổng giá trị đầu tư lên đến gần 160 tỷ đồng, trong đó vốn vay xúc tiến của KFW và vốn ODA viện trợ không hoàn lại của EU là gần 4,3 triệu Euro (tương đương khoảng 114 tỷ đồng); UBND tỉnh Thái Bình đối ứng là 44,7 tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Mạnh Khương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Thái Bình cho biết, cơ bản hệ thống các công trình thủy lợi của tỉnh Thái Bình như đê biển, đê sông, bờ kênh, cống ngăn… không chỉ có một nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu cho ruộng đồng, bảo vệ trước bão lũ, mà còn phục vụ kết hợp là đường giao thông của nhân dân.

Bình luận