Sức mạnh khoa học cần đến được với nông dân

Bình luận · 254 Lượt xem

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng khoa học công nghệ cần có cách tiếp cận đơn giản, dễ ứng dụng và đưa được sức mạnh khoa học đến với người nông dân.

Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ KH-CN về ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ NN-PTNT làm việc với Bộ KH-CN về ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 22/8, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt, trao đổi về vấn đề phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học vào các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị và tính bền vững.

Chia sẻ tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan lấy ví dụ về những quả bưởi chùm của Hoa Kỳ mà 2 Thứ trưởng Nông nghiệp nước này tặng ông cách đây gần 6 tháng để nói về những tiến bộ về công nghệ.

Qua đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, sức mạnh của khoa học công nghệ cần đến được với người nông dân, trở thành phúc lợi của người nông dân. Người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, khoa học cũng cần có cách tiếp cận phù hợp với ngành nông nghiệp, nông dân đó là đơn giản và dễ ứng dụng. “Những tiến bộ nhỏ nhưng lan tỏa ra diện rộng thì sẽ thành tiến bộ lớn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Về cách tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, trước tiên có thể tận dụng những thành tựu của thế giới trước khi tự mình nghiên cứu, phát triển để có thể rút ngắn thời gian ứng dụng vào thực tế.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần có cách tiếp cận phù hợp để đưa sức mạnh của khoa học đến với người nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần có cách tiếp cận phù hợp để đưa sức mạnh của khoa học đến với người nông dân. Ảnh: Tùng Đinh.

Nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cho biết 2 Bộ sẽ hợp tác, xây dựng một chương trình chung để phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học vào nông nghiệp. Ngoài ra, 2 Bộ cùng nghiên cứu xây dựng các chế tài để đưa tiến bộ công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp một cách thuận lợi, hiệu quả hơn.

Trước đó, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), hiện nay công nghệ sinh học tác động đến nhiều ngành công nghiệp khác nhau. Tốc độ tăng trưởng của công nghệ sinh học trên toàn thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020 là 1,3%, với kỳ vọng lĩnh vực công nghệ sinh học sẽ đạt mức tăng đều đặn trong 5 năm tới và sẽ có nhiều đầu tư hơn cho nghiên cứu và phát triển (R&D) trên toàn thế giới.

Với lĩnh vực nông nghiệp, các kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen sẽ cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn như hạn hán, kháng bệnh, chống chịu hạn mặn; sử dụng chất dinh dưỡng, tăng năng suất và sức sống tự nhiên, tăng hiệu quả sử dụng nước.

Theo bà Thủy, môi trường pháp lý cho phép các sản phẩm này được ứng dụng vào thực tiễn sản xuất là rất quan trọng, cần sự nỗ lực của các quốc gia. "Trên thế giới, các quốc gia đang cố gắng đạt được sự nhất quán về khung pháp lý liên quan đến sản phẩm từ công nghệ chỉnh sửa gen", Vụ trưởng Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết.

Trên cơ sở đó, bà Thủy đề xuất, 2 Bộ có thể hợp tác hình thành các quỹ hỗ trợ cán bộ khoa học công nghệ dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, đi đào ngắn hạn, đào tạo nâng cao tại các phòng thí nghiệm quốc tế về công nghệ sinh học. Ngoài ra, cần xây dựng các nhóm nhiệm vụ có hợp tác song phương, đa phương về công nghệ sinh học theo cơ chế đặc thù.

"Chúng ta cần hình thành các đề tài nghiên cứu có đối tác nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước, có nguồn lực để mua các bản quyền về công nghệ sinh học, hợp tác chia sẻ theo nguyên lý cùng có lợi", bà Nguyễn Thị Thanh Thủy đề xuất thêm.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra đề xuất về hợp tác giữa 2 Bộ trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đưa ra đề xuất về hợp tác giữa 2 Bộ trong thời gian tới. Ảnh: Tùng Đinh.

Về phía Bộ KH-CN, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật cho biết Bộ đã có chương trình "Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học", trong đó tập trung nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản đạt năng suất, chất lượng và khả năng kháng bệnh.

Bên cạnh đó, chương trình cũng nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vacxin, chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Đề xuất với phía Bộ NN-PTNT, ông Nguyễn Phú Hùng cho rằng 2 bên cần phối hợp để xây dựng, hình thành các cụm nhiệm vụ, theo chuỗi giá trị phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp.

Vụ trưởng Hùng cũng đề xuất các đơn vị của 2 Bộ đặt hàng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển nghiên cứu phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông sản, quỹ gen...

TS. Lê Hoàng Thế đưa ra đề xuất liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học vào chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

TS. Lê Hoàng Thế đưa ra đề xuất liên quan đến ứng dụng công nghệ sinh học vào chế biến nông sản. Ảnh: Tùng Đinh.

Đại diện doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ sinh học vào phát triển sản phẩm nông nghiệp, TS. Lê Hoàng Thế, Giám đốc Công ty TNHH Hệ sinh thái The Vos giới thiệu về công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để làm ra các sản phẩm liên quan đến nấm linh chi đỏ.

Chia sẻ sâu hơn về công nghệ sinh học, ông Thế cho rằng, trong thời đại hiện nay, nếu nắm được công nghệ thì sẽ nắm được thị trường và việc tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày nay đang ngày càng thuận lợn hơn.

Do đó, Giám đốc của The Vos cũng chia sẻ về kinh nghiệm liên kết với các nhân lực người Việt Nam đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học ở nước ngoài để chia sẻ và cập nhật công nghệ. Bên cạnh đó, ông Thế cũng đề xuất về việc tham gia bảo hộ của các cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp và tăng cường hợp tác công tư để thuận lợi hơn trong sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

“Ví dụ, The Vos đang ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nghiên cứu, sản xuất ra những bộ giống mới, nhiều ưu thế và phù hợp với từng địa phương triển khai sản xuất”, TS. Lê Hoàng Thế chia sẻ thêm.

Bình luận