Mạnh dạn cải tạo đất phèn kém hiệu quả
Mô hình được anh Lâm Cần Nguyên (TP Vị Thanh, Hậu Giang) liên kết với Công ty TNHH MTV Dịch vụ Cây giống Hải Sơn (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) thực hiện tại xã Vĩnh Hoà Hưng Nam, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.
Từ lâu, vùng đất phèn nặng ở Vĩnh Hoà Hưng Nam chỉ thích hợp trồng cây khóm. Tuy nhiên, với tư duy sáng tạo, mạnh dạn, làm điều ít ai dám làm, anh Lâm Cần Nguyên đã bàn bạc với gia đình chuyển đổi 5ha diện tích khóm cho hiệu quả thấp sang trồng cây ăn trái đặc sản. Bên cạnh đó, anh cũng mạnh dạn thuê thêm 5ha đất khóm lân cận để cải tạo thực hiện trồng cây ăn trái.
Hơn 6 tháng cải tạo đất anh Nguyên đã trồng hai loại trái cây đặc sản có giá cao hiện nay là bưởi ruby và sầu riêng Musangking. Hiện trang trại này có trên 900 gốc sầu riêng Musangking trên 15 tháng tuổi và 1200 gốc bưởi ruby một năm tuổi. Riêng chi phí đầu tư xây dựng trang trại này đã lên đến hàng tỷ đồng. Theo chia sẻ của anh Nguyên, tính toán các chi phí đến khi thu hoạch lên đến hơn 7 tỷ đồng. Dự kiến trong ba năm tới, đây sẽ là một trong những trang trại cây ăn quả "khủng" ở Miền Tây.
Chia sẻ về cơ duyên đầu tư dự án này anh Nguyên cho biết: Trước đây, mình có ăn thử bưởi ruby của Thái Lan và sầu riêng Musangking thấy rất ngon nên quyết định đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Chứ ở đây trồng khóm thu nhập không là bao, giá cả lại rất bấp bênh. Vùng đất phèn khi cải tạo thành công sẽ có chứa nhiều dinh dưỡng để cho cây hấp thu. Khi đó, trái cây sẽ có được hương vị khác hơn so với những vùng khác. Hơn hết mình mạnh dạn thực hiện chuyển đổi trồng cây ở vùng đất này là nhờ có sự liên kết của Công ty cây giống Hải Sơn tại Bến Tre nên cũng yên tâm đầu tư.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về quá trình cải tạo vùng phèn nặng này, anh Nguyên cho biết đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để xử lý phèn bằng hai trăm tấn vôi và phân hữu cơ. “Ban đầu thấy tôi lên liếp trồng cây người dân đi ngang ai thấy cũng nói tôi khùng xúm lại coi, có người khăng khăng không thể cải tạo nổi đất phèn này nổi đâu. Nhưng nhờ có sự tư vấn kỹ thuật kỹ càng nên cũng mạnh dạn hơn”, anh cười nói.
Tuy nhiên, theo anh công cuộc cải tạo đất phèn vô cùng vất vả khó khăn. Thứ nhất phải lên liếp cao, đắp mô, xẻ mương sâu. Sau đào xung quanh mô sâu chừng 2 lưỡi leng để phơi đất. Sau đó, để vôi xuống dưới cho rút phèn ra. Đào thêm rãnh thoát nước để nước ra vô, mượn nước đẩy phèn đi rồi mới từ từ lấp đất lại.
Khi xử lý phèn xong thì mình rải phân hữu cơ nhiều lắm để cải tạo đất. Phân hữu cơ ở đây dùng phân trùn quế của Công ty Trương Ân. Phân trùn quế là loại phân “mát” nhất, thích hợp cải tạo đất nhất.
Bên cạnh đó, dưới mương rải vôi để rửa tầng phèn dưới. Để tránh trường hợp đến khi cây đạt độ tuổi 4-5 năm thì rễ cây sẽ ăn sâu đụng tầng phèn này. Bởi vậy đa số người dân ở đây trồng 3-4 năm thì cây nó bị vàng mà người ta trị biết bao nhiêu tiền cũng không hết. Nếu như mình giải quyết được tầng phèn dưới thì cây nó sẽ ăn lâu và bền hơn so với chỗ khác. "Mình làm mình ăn lâu dài nên đầu tư phải công phu chút”, anh Lâm Cần Nguyên chia sẻ.
Quả ngọt đầu tiên
Anh Phan Duy Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ cây giống Hải Sơn cho biết: Quy trình sản xuất của vườn chúng tôi là theo quy trình hữu cơ. Tôi định hướng sản xuất đạt các tiêu chuẩn hàng xuất khẩu với thương hiệu bưởi ruby Hải Sơn. Hiện nay vườn bưởi này đã được 1 năm tuổi rồi. Khi cây khoảng 3 tuổi là có thể thu hoạch trái chiến. Từ 4-5 năm trở đi cây cho sản lượng và chất lượng trái ổn định.
Đến nay, hơn một năm trôi qua, khu vườn của anh phát triển rất tốt, bưởi ruby, sầu riêng phát triển không thua gì ở vùng đất phù sa bãi bồi trên sông. Điều đáng quan tâm, mới chỉ gần một năm xuống giống. Bằng các kỹ thuật cao, sự cần mẫn chăm bón, vườn của anh đã giữ lại được trái cho hai cây bưởi. Hôm xẻ bưởi ăn thử có nhiều người đến xem và ăn thử. Tuy trái bưởi được nuôi ép từ cây con chưa đủ tuổi nhưng chất lượng trái cũng rất đạt. Trái đạt trọng lượng khoảng 900 gram, độ đường (brix) đạt 12.
Ông Nguyễn Văn Sáu, người dân xã Vĩnh Hoà Hưng Nam cho biết: Bưởi này ăn vô tôi thấy nó phao đầu lưỡi, có vị ngọt thanh, mau tan. Mới hái xẻ ăn liền nhiều nước, để lâu vài ngày trái sẽ ngọt hơn. Màu sắc ruột bưởi chưa hồng bằng cây bưởi già nhưng cũng sắc đỏ rất bắt mắt. Chất lượng như này tôi thấy là ngon rồi.