Chăm chút cho du lịch nông nghiệp, nông thôn

Bình luận · 239 Lượt xem

Tiếp tục chương trình làm việc tại Hà Giang, ngày 17/4 Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT dự Hội nghị 'Thúc đẩy phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Giang năm 2023'.

 

Hà Giang lấy hình ảnh cao nguyên đá để xây dựng thương hiệu nông sản

Con đường nhỏ về miền du lịch lớn

Hà Giang có nhiều làng du lịch cộng đồng độc đáo

 

Cùng mở rộng tư duy xây dựng đa tầng giá trị

Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 của tỉnh Hà Giang tăng 70% so với năm 2015, tăng 14,5% so với năm 2020; cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp đã và đang chuyển biến tích cực sang ngành chăn nuôi.

 

Xác định lợi thế về tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác, những năm qua Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, gồm các nghị quyết về khai thác tiềm năng, lợi thế về phát triển cây trồng, vật nuôi; phát triển bền vững cây cam sành; phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2025 (tập trung vào 5 cây và 3 con: cây ăn quả ôn đới, chè shan tuyết, dược liệu, lúa chất lượng cao, tam giác mạch - bò vàng, lợn địa phương, ong bạc hà…).

 

Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Hà Giang đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan kết luận giao nhiệm vụ cho đơn vị trực thuộc Bộ NN-PTNT giúp tỉnh đánh giá, khảo sát và phối hợp thực hiện đề án "Chuyển đổi cây ngô sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao hơn".

 

Đồng thời hỗ trợ tỉnh các dự án như: "Đầu tư cải tạo, phát triển cây cam", "Phát triển sản phẩm chè shan tuyết theo chuỗi giá trị trở thành thương hiệu quốc gia"...; cho chủ trương mở rộng quy mô công trình thuộc dự án thủy lợi và các công trình cấp, trữ nước vùng cao núi đá; xem xét hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho tỉnh xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ rừng và phát triển rừng…

 

Trước "bức tranh" kinh tế nông nghiệp cũng như các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Giang, đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm hướng tới xây dựng và phát triển nông nghiệp Hà Giang theo hướng đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao. Trong đó, tùy vào đặc điểm về hệ sinh thái, thổ nhưỡng, khí hậu, địa mạo, địa chất mà xây dựng hướng đi phù hợp, hiệu quả.

 

Cũng theo các đại biểu, tỉnh Hà Giang cần đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, ứng dụng công nghệ cao phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa có quy mô theo tín hiệu thị trường, tăng sức canh tranh; thực hiện tốt chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; quan tâm phát triển nông nghiệp quy mô nhỏ gắn với giảm nghèo và đảm bảo dinh dưỡng tại chỗ ở vùng sâu, vùng xa. Phát triển vật nuôi có thế mạnh của tỉnh, phát triển cây dược liệu theo quy hoạch, ưu tiên phát triển kinh tế dưới tán rừng…

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, những đóng góp của đại biểu trong chương trình làm việc thực tiễn tại các địa phương cũng như tại hội nghị sẽ là động lực để gỡ khó cho ngành nông nghiệp Hà Giang phát triển. Từ đó, chúng ta cùng nhau tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng, phát huy các giá trị vùng cao nguyên đá để sản phẩm nông nghiệp của Hà Giang có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao và phát huy được giá trị văn hóa bản địa.

 

Liên quan đến những kiến nghị của tỉnh Hà Giang về các vấn đề liên quan đến cây ngô hay hỗ trợ một số dự án phát triển đối với cây cam, cây dược liệu dưới tán rừng; xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, dự án thủy lợi,… Bộ trưởng Lê Minh Hoan sẽ giao cho các viện, các hiệp hội, đơn vị hướng tới cách tiếp cận ngày một tốt và hiệu quả hơn.

 

Xây dựng thương hiệu: Đừng dừng lại ở ước mơ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, về Hà Giang là về với miền cảm xúc, về với sự khác biệt về sinh cảnh, địa chất, địa mạo; khác biệt về tầng văn hóa. Chúng ta đến với hội nghị này để cùng với Hà Giang khởi tạo những giá trị mới cho Hà Giang, tiếp thêm nguồn lực cho Hà Giang. Chúng ta không chỉ dừng lại ở các báo cáo, các tham luận, các đề án mà là hành động.

 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, cách tiếp cận phân ngành đang là giới hạn cho sự phát triển không chỉ ở Hà Giang; không gian sản xuất nhỏ nhưng sẽ tạo ra giá trị lớn hơn từ tư duy tích hợp không gian theo cách không giới hạn. Đó là sự hợp tác trong cộng đồng, là cách làm nông nghiệp hữu cơ, là cách kết nối thị trường nhờ công nghệ số, là sự tích hợp giá trị truyền thông tạo ra hình ảnh và từ hình ảnh tạo ra của cải, tạo ra sự lan tỏa của giá trị.

 

Tư duy tích hợp phải theo từng nhóm ngành hàng. Cách tiếp cận đơn lẻ theo phân khúc đang là giới hạn trong việc phát triển không gian các ngành hàng và việc kết nối các ngành hàng với nhau. Cần phải tư duy theo hướng chuyển giao giá trị cho nhau để tạo ra giá trị cao hơn. Bởi đi cùng nhau mới đi xa, mới tối thiểu hóa chi phí, mới tối đa hóa các giá trị. Nếu không chuẩn hóa được từng khâu trong chuỗi giá trị ngành hàng thì khó đưa được sản phẩm đi xa và câu chuyện xây dựng thương hiệu chỉ là ước mơ.

 

Không chỉ tiếp cận nông nghiệp mà còn tiếp cận hệ sinh thái đa giá trị từ nông nghiệp. Đa giá trị kết nối với các cơ quan chuyên ngành nông nghiệp, bao gồm các cơ quan quản lý, các viện, trường nghiên cứu cùng ngồi lại tìm kiếm những giải pháp tổng thể trên 3 vùng sinh thái gồm: vùng núi thấp, vùng cao nguyên đất và vùng cao nguyên đá.

 

Chúng ta có thể tiếp cận vấn đề thủy lợi để xác lập vấn đề chăn nuôi, trồng trọt, nông nghiệp, thủy sản từ các hồ đập sông suối. Đối với Hà Giang, để tạo ra nguồn lực không chỉ là tích nước mà còn là giải pháp chống thất thoát nước, tiết kiệm nước trong sản xuất và trong sinh hoạt.

 

"Hà Giang cần có cách tiếp cận phù hợp giữa nông nghiệp, văn hóa và du lịch. Du lịch khai thác văn hóa. Du lịch chăm sóc sức khỏe sẽ là những dòng sản phẩm cần tập trung. Hà Giang có rất nhiều điểm đến. Du lịch nông nghiệp, nông thôn nếu biết cách chăm chút sẽ trở thành sản phẩm du lịch độc đáo.

 

Ngược lại, du lịch sẽ kích thích sự phát triển, quảng bá, tiếp thị thương mại các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề", Bộ trưởng Lê Minh Hoan.

Bình luận