Chính sách chưa kích cầu nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 221 Lượt xem

Có diện tích trải dài với 3 vùng sinh thái nông nghiệp chính nên đặc điểm khí hậu và đối tượng cây trồng ở vùng duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB) khá đa dạng.

Tuy nhiên, năng suất, chất lượng và hiệu quả SX còn tương đối thấp so với tiềm năng. Nguyên nhân do khả năng chống chịu sâu bệnh của giống và độ đồng đều của sản phẩm sau thu hoạch chưa cao.

10-57-05_2
Mô hình ứng dụng NNCNC trong canh tác rau bằng phương pháp thủy canh ở Quảng Nam

Xuất phát từ vấn đề này, vừa qua, diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) thích ứng biến đổi khí hậu khu vực DHNTB" đã được tổ chức tại Đà Nẵng.

Theo ông Nguyễn Đỗ Tám, PGĐ Sở NN-PTNT Đà Nẵng, tại địa phương này, những năm gần đây có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện Đà Nẵng đã quy hoạch danh mục 7 vùng thu hút đầu tư NNCNC với 500ha cho các lĩnh vực hoa, rau, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín, nuôi trồng thủy sản.

Nhìn chung, các mô hình NNCNC đã bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực, được đánh giá cao và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của Sở NN-PTNT Đà Nẵng, do mới được triển khai thực hiện trong thời gian chưa lâu nên các mô hình vẫn còn gặp những khó khăn nhất định.

“Những tồn tại mà NNCNC của Đà Nẵng đang gặp phải có thể kể đến là SXNN còn nhỏ lẻ, nhận thức của người dân về NNCNC còn hạn chế; ứng dụng các công nghệ thông tin, tự động hóa SX, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác còn ít; đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình thiếu bền vững... Vì thế tiếp tục điều chỉnh cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi hơn nữa thì NNCNC mới phát triển được”, ông Tám nói.

Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh - địa phương đi đầu trong cả nước trong việc triển khai NNCNC đang tập trung về nghiên cứu, chọn tạo, thử nghiệm các giống cây trồng. Ứng dụng các công nghệ chọn tạo giống như: tạo giống ưu thế lai F1, chiếu xạ gây đột biến, nuôi cấy mô tế bào thực vật, công nghệ chuyển gen, chỉ thị phân tử... Với những ứng dụng trên lĩnh vực này, TP Hồ Chí Minh đang hướng tới trở thành trung tâm giống NNCNC của cả nước.

“Dù đã đạt được nhiều kết quả trong việc ứng dụng NNCNC trong SX nhưng so với tiềm năng của vùng thì chưa thực sự tương xứng do nhiều nguyên nhân. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh đã xác định hướng đi cụ thể cho lĩnh vực ứng dụng NNCNC là: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để SX các sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn có sức cạnh tranh cao.

Nâng tỷ trọng giá trị SX ứng dụng NNCNC đến năm 2020 chiếm từ 60 - 70% tổng giá trị SXNN của cả thành phố. Phấn đấu đến năm 2020 có 50 - 60% hộ nông dân, 70 - 80% doanh nghiệp tham gia SX ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mang tính công nghệ cao về giống, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch, cơ giới hóa, tự động hóa trong quá trình chăn nuôi, xử lý chất thải, các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong quá trình SX nuôi trồng các đối tượng thủy sản chủ yếu”, ông Dương Hoa Xô, PGĐ Sở NN-PTNT TP Hồ Chí Minh cho biết.

Tại diễn đàn thảo luận có ý kiến cho rằng, đối với vùng DHNTB có khí hậu tương đối khắc nghiệt nên sẽ ảnh hưởng đến việc ứng dụng công nghệ cao trong SX. Về vấn đề này, ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, tùy từng điều kiện để xem xét và ứng dụng công nghệ vào SX để đạt được hiệu quả cao nhất.

“Nói tóm lại là có nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào điều kiện từng vùng, tiềm năng của từng hộ gia đình, tùy vào từng đơn vị có đủ vốn không, khí hậu vùng có tương đối ôn hòa không, có tiềm năng về con người không và vấn đề liên kết thị trường thế nào để chúng ta lựa chọn đầu tư từ thấp đến cao. Nếu có điều kiện tốt thì sử dụng các công nghệ phức tạp như điều khiển mô hình từ xa còn không đủ thì dùng công nghệ nhưng thấp hơn...", ông Khởi chia sẻ.

Bình luận