Việc làm này tối ưu cả ba mặt: hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và hiệu quả về mặt xã hội.
Trồng lạc theo mô hình tại huyện Cam Lộ. |
Nông dân Bùi Văn An ở thôn Quật Xá, xã Cam Thành, huyện Cam Lộ tham gia dự án CSA trên cây lạc với diện tích 4 sào. Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Trị giúp đỡ về mặt kỹ thuật, HTX Quật Xá và tổ thủy nông điều hành rất tốt khâu tưới nước tiết kiệm nên đã đem lại kết quả rất rất mỹ mãn.
Mỗi sào lạc của mô hình cho thu nhập cao hơn lạc trồng ngoài mô hình khoảng gần 1 triệu đồng nên không chỉ ông An, mà nhiều người dân Quật Xá rất mừng, muốn nhân rộng mô hình. Trong quá trình gieo lạc nông dân đã ứng dụng cơ giới hóa bằng máy gieo hạt MGH-1 nên đã giải quyết khó khăn về công lao động thủ công, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, kịp thời vụ gieo trồng.
Không chỉ ở Quật Xá, nhiều địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng cạn kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng theo mô hình CSA.
Tại xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, ông Lê Văn Xuân, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Duy Viên cho biết, tham gia mô hình, ngoài các lớp tập huấn, bà con còn được hỗ trợ nhiều giống tốt, phân bón và bạt phủ nilon nên rất phấn khởi và tuân thủ các quy trình canh tác nhằm cho năng suất tốt nhất.
Bà con nông dân được hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật làm đất, lên luống, che phủ luống bằng bạt phủ ni lông; kỹ thuật bón phân sử dụng liều lượng hợp lý và thời điểm phù hợp với yêu cầu của từng loại cây theo từng mùa vụ; kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý phế phụ phẩm sau thu hoạch làm phân bón hữu cơ vi sinh.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt-BVTV Quảng Trị cho biết: Trong thời gian tới sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con và nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao. Khi mở rộng mô hình đặt ra yêu cầu về diện tích liền vùng, liền thửa, quy mô tối thiểu phải đạt 2 ha và đảm bảo hệ thống tưới tiêu chủ động và hạ tầng nội đồng tốt.
Cây đậu xanh của mô hình phát triển tốt tại huyện Triệu Phong. |
Bên cạnh đó cũng cần sự cam kết thực hiện quy trình theo dự án của người dân và sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính quyền nhằm phát triển mô hình CSA và mang lại nguồn lợi kinh tế cho bà con. Mô hình cây trồng cạn tối ưu hơn sản xuất truyền thống trên cả 3 mặt: hiệu quả sản xuất, hiệu quả kinh tế và hiệu quả về mặt xã hội. Thông qua mô hình tạo bước đột phá mới trong quá trình thâm canh sản xuất, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, đem lại năng suất, chất lượng và hiệu quả, phù hợp với tình hình biển đổi khí hậu hiện nay.