“Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ngày càng cực đoan, như hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài; mưa, bão gây ngập úng cục bộ; dịch bệnh ngày càng gia tăng... tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, làm năng suất giảm mạnh, thậm chí gây thất mùa trên diện rộng. Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp hạn chế được những bất lợi trên và là xu hướng tất yếu”.
Đó là chia sẻ của ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, tại buổi tọa đàm “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp” do Bộ NN-PTNT vừa tổ chức tại TP Rạch Giá, Kiên Giang.
Hàng chục câu hỏi, thắc mắc được nông dân đặt ra cho Ban tư vấn giải đáp |
Tọa đàm đã thu hút gần 200 đại biểu là nhà quản lý, nhà khoa học và nông dân đang sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt, thủy sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Không khí buổi tọa đàm nóng ngay từ lúc khai mạc, với hàng chục câu hỏi, thắc mắc được nông dân đặt ra cho Ban tư vấn giải đáp. Nhiều nhất là nhóm câu hỏi về chính sách hỗ trợ đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, các biện pháp phòng và trị bệnh trên tôm nuôi, sản xuất giống và thâm canh lúa….
TS Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở KH – CN Kiên Giang cho biết, hiện Sở cùng với Sở Công thương đang có chương trình hỗ trợ cho các đề tài nghiên cứu, sáng kiến trong chế tạo máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp… để sản phẩm hoàn thiện hơn hoặc sản suất hàng loạt với giá cả cạnh tranh hơn. Nông dân cần liên hệ để được hỗ trợ.
Theo TS Niệm, trước đây năng suất nông nghiệp của tỉnh rất thấp nhưng nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã cải tạo được môi trường đất, nước, cải thiện năng suất, chất lượng. Cụ thể như vùng nhiễm phèn tứ giác Long Xuyên, năng suất lúa đã tăng từ 2 - 3 tấn lên 5 - 7 tấn/ha/vụ. Vùng U Minh Thượng nhiễm mặn chuyển đổi qua sản xuất luân canh lúa - tôm, vụ lúa năng suất 4 - 5 tấn/ha, vụ tôm 300 - 400kg (nuôi quảng canh). Một số doanh nghiệp, nông dân nuôi tôm đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ vào sản xuất (ao lót bạt hoặc làm hồ nổi, nhà lưới, nhà màng, nuôi 2, 3 giai đoạn) có thể thâm canh 2 - 3 vụ/năm, năng suất rất cao.
TS Trần Quang Giàu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV Kiên Giang cho biết, để được hỗ trợ, nông dân đầu tư, sản xuất phải nằm trong vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp công nghệ cao được phê duyệt. Cụ thể, hiện vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh công nhận chính thức gồm vùng lúa GlobalGAP, hữu cơ của Cty Trung An (Hòn Đất) và vùng nuôi tôm nguyên liệu của Cty Trung Sơn (Kiên Lương). Và dự kiến tới đây sẽ thành lập HTX nông nghiệp công nghệ cao tại huyện đảo Phú Quốc…
Gần 200 đại biểu tham gia buổi tọa đàm |