Lễ hội thu hút hơn 100 câu lạc bộ hoa lan ở Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Quảng Ninh, Cao Bằng và Hải Phòng. Các câu lạc bộ cũng đã mang đến hàng trăm giò/chậu phong lan, địa lan quí hiếm để trưng bày và giới thiệu mọi người dân tham gia lễ hội cùng thưởng ngoạn.
Các loại hoa lan bản địa quý hiếm trưng bày tại lễ hội |
Thông tin nhanh với lễ hội, PGS.TS Đặng Văn Đông – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả cho biết: Việt Nam ta là nước có tiềm năng đa dạng sinh học đứng thứ 16 thế giới. Tại thời điểm này, cả nước có 755 loài hoa lan các loại, trong đó có nhiều loài lan mới được công bố trên thế giới như Lan Hài, Lan Vietnamese, Lan Trần Tuấn, Lan Hài Cảnh. Diện tích trồng hoa cây cảnh trên toàn quốc ước đạt 35.000ha, trong đó diện tích trồng lan các loại khoảng 500ha. Giá trị thu được từ trồng 1ha hoa lan đạt 750 triệu đồng/năm, một số loại lan cắt cành có thể đạt 20-25 tỷ đồng/ha/năm.
Cũng theo TS Đông, hầu như các tỉnh, thành trên toàn quốc đều có câu lạc bộ hoa lan. Các câu lạc bộ này đang ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng. Cách thức hoạt động bước đầu đã mang tính chuyên nghiệp, hiệu quả. Tuy nhiên sự phát triển của ngành lan chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của mình. Để khắc phục những hạn chế đã nêu, trong thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự liên kết “5 nhà": Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà truyền thông.
Lễ hội Hoa lan Hải Phòng được tổ chức thành công ngoài sự mong đợi của người dân và các cấp chính quyền địa phương, với phần lễ trọng thể và cầu thị, phần hội là rực rỡ sắc màu của muôn loài hoa lan khoe sắc trong tiết xuân năm mới từng bừng náo nhiệt.
Có thể nói, đây thực sự là nơi gặp gỡ giao lưu của những người yêu hoa lan, nơi qui tụ những tấm lòng hướng thiện, để cùng nhau bình lan, thưởng lan, chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và nhân rộng các loài lan bản địa quí hiếm, nhằm từng bước đưa ngành sản xuất hoa lan, gắn với du lịch sinh thái, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.
Tại lễ hội, người dân và các vị khách quí cũng đã được chứng kiến cảnh thả chim bồ câu - biểu tượng của hoà bình và được lắng nghe nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc về tình yêu đất nước...
Đến với lễ hội, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chia sẻ: “Chơi đá dưỡng tâm. Chơi cây dưỡng trí. Chơi cá dưỡng thân. Mỗi người dân Việt Nam ta đều ít nhiều có một thú chơi tao nhã đó. Đây là nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Việt. Tôi rất mong ngày càng có nhiều lễ hội được mở ra ở các địa phương trong nước, không chỉ với các loại hoa lan, mà còn với nhiều nét đẹp văn hóa khác của dân tộc".