Thổi hồn nông thôn mới nơi đỉnh trời Kỳ Sơn
Quảng Nam phát triển du lịch cộng đồng nông thôn
Nan giải bài toán nguồn lực xây dựng nông thôn mới
Thay đổi lớn hạ tầng nông thôn
Đến cuối năm 2023, Bình Định sẽ có 85 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông theo Bộ tiêu chí Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025, đạt tỷ lệ 75%.
Bên cạnh đó, Bình Định còn thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa kênh mương, kênh mương nội đồng giai đoạn 2021 - 2025. Trong năm 2022, Bình Định đã thực hiện kiên cố được 79km kênh mương các loại; nâng tỷ lệ diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động từ các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh đạt 84% diện tích gieo trồng. Đến nay, Bình Định đã có 106 xã đạt tiêu chí thủy lợi theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025, đạt tỷ lệ 94%.
Công tác đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phát triển trường chuẩn quốc gia và sửa chữa, xây dựng thay thế các phòng học xuống cấp tiếp tục được Bình Định quan tâm đầu tư. Tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư giáo dục cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng kinh tế khó khăn, góp phần vào kết quả thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và xây dựng xã hoàn thành xây dựng NTM. Đến nay, Bình Định đã có 84 xã đạt tiêu chí về trường học theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025.
Về cơ sở vật chất văn hóa, các xã trên địa bàn Bình Định hầu hết đều quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm văn hóa - thể thao xã; điểm vui chơi, giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi; lắp đặt các dụng cụ thể dục, thể thao ngoài trời tại các điểm công cộng. Đến nay, Bình Định đã có 85 xã đạt tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, trong quá trình xây dựng NTM giai đoạn tới đây, Bình Định sẽ gặp khó về tiêu chí quy hoạch. Cụ thể, quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 đến nay đã hết hiệu lực. Các xã xây dựng NTM đang triển khai lập quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, hoặc thực hiện điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến khó khăn trong triển khai lập kế hoạch xây dựng NTM trung hạn 2021 - 2025 và kế hoạch hàng năm của các xã.
Một khó khăn khác là về giao thông, các tuyến đường thôn, đường liên thôn của một số địa phương chưa được quan tâm mở rộng nền đường đạt chuẩn theo quy định, mà chủ yếu chỉ thảm nhựa hoặc bê tông trên nền đường hiện có. Thêm vào đó, công tác bảo trì các tuyến đường hầu hết chưa được các địa phương quan tâm.
Về cơ sở hạ tầng thương mại, các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao đều đã xây dựng chợ. Tuy nhiên, một số chợ có cơ sở vật chất chưa đảm bảo đáp ứng theo quy định của tiêu chí chợ thí điểm đảm bảo an toàn thực phẩm, hoặc chưa đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm.
Đặc biệt, tiêu chí môi trường của các xã xây dựng NTM mới nâng cao hầu hết chưa đảm bảo theo quy định. Ví như các nội dung: Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt và chất thải nguy hại chưa đảm bảo theo quy định; phân loại chất thải rắn tại hộ gia đình thực hiện hiệu quả chưa cao, còn mang tính hình thức; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung tại một số xã còn chưa đạt yêu cầu...
Thêm nữa, trang thiết bị tại các nhà văn hóa, đặc biệt là nhà văn hóa thôn, khu thể thao thôn, trung tâm thể thao xã tuy đã được đầu tư xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu hoạt động của người dân.
“Tiêu chí thu nhập cũng là thách thức lớn của các địa phương xây dựng NTM. Quy định mức đạt chuẩn tiêu chí thu nhập tăng mỗi năm là 4 triệu đồng, trong khi các xã trên địa bàn Bình Định hiện nay có mức thu nhập tương đương với ngưỡng quy định, nếu không có giải pháp cụ thể thì rất khó để duy trì đạt tiêu chí thu nhập”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định chia sẻ.