Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 1]: Cuộc sống như ‘thổ dân’ ở thôn Cheng
Nhìn thẳng vào Quảng Trị [Bài 2]: Chín ép!
Nông thôn mới thiếu bền vững, 100% xã “giảm tiêu chí”
“Giảm tiêu chí” là cụm từ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị dùng để chỉ những xã tụt tiêu chí so với bộ tiêu chí nông thôn mới mới giai đoạn 2021 - 2025 vừa được ban hành.
Báo Nông nghiệp Việt Nam đã nhiều lần liên hệ đặt lịch được trực tiếp làm việc với lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị nhưng người đứng đầu Sở này đều lấy các lý do để tránh. Việc chẳng đừng, phóng viên buộc phải làm văn bản đề nghị cung cấp thông tin theo quy định nhưng Sở vẫn cố tình không hợp tác. Sau 21 ngày chúng tôi mới nhận được một vài thông tin gửi qua email nhưng luôn thòng một câu cuối rằng, thông tin chưa chính thức. Một sự đánh đố có phần vô trách nhiệm của lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Trị mà người đứng đầu là ông Hồ Xuân Hòe!
Trong khi chờ đợi ý kiến chính thức của Sở NN-PTNT, chúng tôi đi xuống cơ sở, gặp tận người dân và cán bộ thôn, xã cùng nhau nhìn thẳng vào thực tế để ghi lại sự thật những điều mắt thấy, tai nghe ở đây. Đó là sự thật về đời sống nhân dân Quảng Trị đang rất khó khăn, sản xuất nông nghiệp rõ nhất là hoạt động của các HTX chỉ là cái bóng cho quan chức vẽ ra đáp ứng tiêu chí trên giấy về đích NTM. Một thực tế không thể chối cãi rằng: Người dân nhiều nơi ở miền núi Quảng Trị cuộc sống của họ như thổ dân!
Bạn đọc loạt bài này, nhiều người đã có ý kiến, nhắn tin đến cho bản báo đều bày tỏ niềm thương cảm đối với cuộc sống khốn khổ của đồng bào miền núi Quảng Trị. Trong khi bệnh thành tích hão huyền và có phần vô cảm của những quan chức nơi đây lại thờ ơ trước những vấn đề báo chí và dư luận nóng lòng quan tâm.
Nhiều lần đề đạt, trả lời văn bản của phóng viên NNVN, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho hay: Kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới cơ bản đạt được lộ trình đề ra. Nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng tốt hơn sự hài lòng của người dân; diện mạo nông thôn đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, Quảng Trị có 69/101 xã, 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bình quân toàn tỉnh là 14,5 tiêu chí/xã.
Chúng tôi không bình luận gì thêm về báo cáo đầy màu hồng của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị vì bên cạnh bản báo cáo thành tích theo thói quen này là loạt bài viết "Nhìn thẳng vào Quảng Trị" mà những ngày qua Báo Nông nghiệp Việt Nam đề cập khá mạch lạc ở cơ sở. Chính Bí thư Huyện ủy Hướng Hóa Nguyễn Tăng sau khi đọc bài "Cuộc sống như thổ dân ở thôn Cheng" đã ngay lập tức có mặt tại nơi báo phản ánh và chỉ đạo chính quyền địa phương phải vào cuộc, kêu gọi giúp đỡ người dân để có nhà ở, có đất tái định cư và bàn các giải pháp cho sản xuất phát triển.
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị có đề cập đến việc một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn chủ quan, thiếu quyết liệt trong việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, kể cả một số địa phương đã đạt chuẩn có dấu hiệu bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được.
Cụ thể, Quảng Trị có 47/69 xã (trên 68%) ở tất cả các huyện đã được công nhận nông thôn mới bị giảm tiêu chí . Trong đó, huyện Hướng Hóa giảm tiêu chí tại 5/5 xã, Đakrông 1/1, Triệu Phong 12/17 xã; Hải Lăng 8/13 xã; Gio Linh 10/12 xã; Vĩnh Linh 10/13 xã… Các tiêu chí bị giảm nhiều nhất là tiêu chí quy hoạch; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; y tế; môi trường và an toàn thực phẩm.
Nói giảm tiêu chí nhưng thực chất là tuột khỏi tiêu chí. Dĩ nhiên, tiêu chí cứng hay mềm còn tùy thuộc vào các quy định và các đánh giá, nhưng rõ ràng, sự "chín ép" như nhiều nơi trong một bài viết của tuyến bài trên Nông nghiệp Việt Nam phản ánh thì rõ ràng, cái bệnh thành tích NTM ở Quảng Trị đang làm khổ cả dân và lãnh đạo cấp cơ sở. Trong khi các tiêu chí bị tuột đều nhằm vào những vấn đề dân sinh và chủ đạo của sinh kế cả. Đó là tổ chức sản xuất, là y tế, môi trường, an toàn thực phẩm và an ninh nông thôn.
Đúng như khảo sát của Nông nghiệp Việt Nam tại các huyện miền Tây Quảng Trị, 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, ngoài các tiêu chí trên thì các tiêu chí bị tụt nhiều nhất gồm tiêu chí nhà ở, thu nhập, nghèo đa chiều và quốc phòng an ninh. Một phần nguyên nhân được lãnh đạo các xã nhìn nhận là các tiêu chí này tại thời điểm đạt chuẩn nông thôn mới chưa thực sự bền vững. Bản thân các hợp tác xã chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế của địa phương và bà con xã viên; chưa làm tốt vai trò tổ chức sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm để từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.
Đó là cái giá của bệnh thành tích, cái thói "ép chín" tiêu chí của nhiều nơi trong làm NTM mà Quảng Trị không ngoại lệ.
Ông Hoàng Đình Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hướng Hóa khẳng định, trên địa bàn huyện chỉ 5/13 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Một trong những nguyên nhân rớt tiêu chí thu nhập, theo ông Bình, là do một số hợp tác xã chỉ tồn tại trên giấy, hoạt động không hiệu quả, không kêu gọi được các thành viên cùng tham gia sản xuất.
Nốt trầm nông thôn mới
Báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị một lần nữa quay lại mô típ chung rằng, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, là quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn, với mục tiêu thoát nghèo xây dựng quê hương trở thành những miền quê đáng sống, không chạy theo thành tích. Do vậy việc xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị luôn lấy chất lượng đời sống người dân làm cốt lõi, không chạy theo thành tích và luôn hướng đến thực chất.
Theo Sở NN-PTNT Quảng Trị, xác định được tầm quan trọng của tiêu chí Tổ chức sản xuất, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai các nhóm giải pháp thực hiện và xây dựng lộ trình hỗ trợ các hợp tác xã thành lập mới. Các hợp tác xã được thành lập trên tinh thần tự nguyện, tổ chức hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã 2012. Riêng đối với địa bàn 69 xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, các hợp tác xã đều hoạt động tương đối hiệu quả.
Tham chiếu vào thực tế khảo sát của Nông nghiệp Việt Nam tại các địa phương ở Hướng Hóa và Đakrông thì rõ ràng không hẳn là như vậy. Rõ nhất là người ta chưa nhận thức và hiểu biết chưa đúng về cơ chế hoạt động, vai trò của hợp tác xã, pháp luật và chính sách hỗ trợ cho kinh tế tập thể. Năng lực quản trị của hợp tác xã còn yếu kém; tuổi đời lớn dẫn đến khả năng ứng dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tiếp cận thị trường, đàm phán ký kết, chuyển đổi số… còn hạn chế.
Nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về bản chất, vị trí, vai trò của kinh tế tập thể trong nền kinh tế chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, còn bị chi phối, ảnh hưởng bởi định kiến về mô hình hợp tác xã thời kỳ bao cấp; hoài nghi về sự thành công của kinh tế tập thể. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương còn hình thức, chưa thực sự quan tâm, thiếu quyết liệt. Nguồn lực phân bổ cho loại hình kinh tế tập thể còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu của các hợp tác xã, một số nguồn lực từ nguồn ngân sách địa phương chưa được phân bổ để thực hiện hỗ trợ cho loại hình hợp tác xã nông nghiệp.
Về điểm này, xin nhắc lại lời của ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Trị rằng, thực tế có một số hợp tác xã hoạt động cầm chừng. Vài hợp tác xã được thành lập để chạy theo nông thôn mới, hiệu quả hoạt động không xuất phát từ nhu cầu thực tế của các hộ xã viên.