Xã có thu nhập hơn 71 triệu đồng/người/năm

Bình luận · 215 Lượt xem

Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Long Vĩnh đạt trên 71 triệu đồng/người, cao hơn 11% so với quy định tiêu chí xã NTM nâng cao.

 

'Vương quốc' sầu riêng về đích nông thôn mới

Thành quả nối tiếp thành quả

Xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang có 5 ấp với gần 3.000 hộ dân. Trước đây, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự chung tay góp sức của nhân dân địa phương, Long Vĩnh đã gặt hái nhiều kết quả khả quan.

 

Năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ đây, phong trào xây dựng NTM tiếp tục được nhân dân ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ hơn. Các tiêu chí ngày càng được nâng chất đời sống nhân dân ngày càng khá giả hơn. Năm 2021, xã tiếp tục được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

 

Đầu năm 2023, xã Long Vĩnh đã tổ chức lễ đón bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (năm 2022) trong niềm phấn khởi của nhân dân địa phương. Đây cũng là xã thứ hai của tỉnh Tiền Giang được công nhận danh hiệu này.

 

Trong tiêu chí giao thông, xã Long Vĩnh đặc biệt chú trọng duy tu, nâng cấp bảo trì các tuyến đường xã hàng năm. Đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp và có các hạng mục cần thiết có bảng chỉ dẫn và các hạng mục biển báo, biển tải trọng, trồng cây xanh, trồng hoa, có gắn hệ thống đèn chiếu sáng theo quy định.

 

Trên địa bàn xã còn có 14/14 tuyến đường liên ấp được đầu tư cứng hóa, tổng chiều dài trên 21.700m, đạt 100%. Tỷ lệ đường ngõ xóm được cứng hóa, đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp đạt tỷ lệ 100%. Toàn xã có 12/12 tuyến đường ngõ, xóm đã được cứng hóa với tổng chiều dài hơn 9.000m. Hầu hết các tuyến xóm ấp nối liền với đường trung tâm xã được đầu tư xây dựng đảm bảo nhu cầu vận chuyển hàng hóa, đi lại của nhân dân.

 

Tại ấp đạt chuẩn thông minh Thới An có nhiều tiện ích nổi bật đáp ứng tốt nhu cầu đời sống của nhân dân. Ấp có 2 trạm phát sóng của các nhà mạng đảm bảo hạ tầng mạng internet băng thông rộng cố định (cáp quang) và di động 3G/4G phủ sóng 100% địa bàn ấp.

 

Bên cạnh đó, toàn xã đã được lắp 21 cụm với 53 chiếc camera giám sát an ninh trật tự tại các cửa ngõ ra vào. Riêng địa bàn ấp Thới An được lắp 6 cụm với 18 chiếc camera. Ngoài ra, để đảm bảo ngăn ngừa và phòng chống hiệu quả hơn, ấp Thới An còn được lắp 4 cổng rào phòng chống tội phạm thông minh điều khiển từ xa. Qua đó, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, người dân yên tâm sản xuất.

 

Về Long Vĩnh hôm nay, du khách xa gần dễ dàng cảm nhận được sức sống mới ở vùng nông thôn này. Nổi bật nhất là tuyến đường hoa kiểu mẫu ấp Thới An do bà con nhân dân địa phương chăm chút. Tuyến đường hoa sạch đẹp với nhiều loài hoa rực rỡ khoe sắc. Xuân Quý Mão, tuyến đường hoa này đoạt giải tuyến đường hoa đẹp nhất tỉnh Tiền Giang.

 

Ông Võ Văn Tèo, một người dân địa phương chia sẻ rất phấn khởi khi xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Ông nói, xây dựng NTM đã nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, người dân được hưởng lợi về nhiều mặt. Do đó, gia đình ông đã tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các phần việc mà mình có thể tham gia góp sức như trồng hoa 2 bên đường, tạo mỹ quan cho đường giao thông nông thôn, chăn nuôi hợp vệ sinh. Ngoài ra, gia đình ông còn vận động bà con xung quanh cùng tham gia để các công trình, phần việc sớm hoàn thiện đạt các tiêu chí xã NTM kiểu mẫu.

 

Tích cực chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập

Ông Nguyễn Thanh Triều, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ, trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Long Vĩnh chọn các lĩnh vực xã có thể mạnh nổi trội như: sản xuất, giáo dục và chuyển đổi số để thực hiện. Nổi bật trong lĩnh vực sản xuất, là xã thuần nông với thế mạnh là cây lúa.

 

Năm 2018, UBND xã Long Vĩnh đã xây dựng HTX dịch vụ nông nghiệp Hưng Hoà. Sau 5 năm thành lập, HTX hoạt động hiệu quả, có sự phát triển về quy mô thành viên. Đến tháng 11/2022, tổng số thành viên đạt 105 người, vốn điều lệ 115 triệu đồng. HTX chủ yếu ở hoạt động ở lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp như: kinh doannh vật tư nông nghiệp, lúa giống, bón phân, thu hoạch lúa… HTX tham gia dự án liên kết chuỗi sản xuất lúa và lúa giống, có hợp đồng tiêu thụ lúa với Công ty TNHH Vinh Hiển.

 

Qua đó, giảm thiểu chi phí sản xuất cho thành viên, giúp lợi nhuận trong sản xuất lúa luôn cao hơn thành viên không tham gia HTX. Đáng chú ý, 3 năm liên tục HTX hoạt động có lãi. Năm 2022, ước tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 53 triệu đồng. 

 

Hiện nay, 100% nông sản xuất lúa áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất như: phun thuốc bảo vệ thực vật bằng drone, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp… Ngoài ra, tại ấp thông minh Thới An, nhiều hộ nông dân trồng bưởi còn áp dụng tưới nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm điều khiển tự động từ xa rất thuận tiện.

 

Thời gian qua, nông dân địa phương còn tích cực học tập các mô hình chuyển đổi sản xuất mang lại hiệu quả cao, nhất là mô hình trồng màu. Tại ấp Phú Quới, mô hình trồng ớt trên nền đất lúa phát triển hơn cả. Ấp có gần 20ha đất trồng ớt. Bước đầu 6 thành viên đã thành lập Tổ hợp tác với diện tích 6,3ha.

 

Ông Nguyễn Văn Trí, Tổ trưởng Tổ hợp tác rau màu ấp Phú Quới cho hay: Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp mà hoạt động sản xuất của bà con rất thuận lợi, nhất là vấn đề nguồn nước ngọt sản xuất được đảm bảo, công tác tiêu úng mùa mưa và trữ nước ngọt mùa khô được đảm bảo tốt.

 

Năm ngoái, giá ớt dao động từ 40.000 - 75.000 đồng/kg, nông dân có thu nhập từ 200-300 triệu đồng/ha. Riêng gia đình ông Trí có thu nhập hơn 200 triệu đồng từ 8 công ớt. Ngoài ra, ông có thêm nguồn thu từ các loại trồng rau màu khác trong thời điểm lấp vụ. Năm nay, ông Trí đã xuống giống được 4, 5 công ớt. Giá ớt tiếp tục ở mức khá, dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg, bà con có thu nhập khá.

 

Ngoài ra, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tại xã Long Vĩnh có sản phẩm rượu nếp Cao Trí Gò Công của Lò rượu Cao Trí được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm được hình thành từ hạt gạo địa phương, có truy xuất nguồn gốc thông qua check mã QR.

 

Bà Liễu Thuỳ Trang, chủ cơ sở cho biết, thông qua Chương trình OCOP, hộ kinh doanh của bà được địa phương hỗ trợ quảng bá thông qua các hội chợ cấp huyện, tỉnh. Sắp tới, cơ sở dự định mở rộng thị trường tại các siêu thị và phát triển thêm sản phẩm mới. Từ đây, khuyến khích người dân quan tâm hơn về chương trình này.

 

Nhìn chung, đến nay diện mạo nông thôn của xã Long Vĩnh ngày càng khởi sắc, thu nhập người dân ngày càng nâng cao, tình hình an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

 

Tại Tiền Giang, tính đến tháng 6/2023, cả tỉnh có 137/142 xã đạt chuẩn NTM, 39 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 3 đô thị (thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 4 huyện đạt chuẩn huyện NTM (Gò Công Đông, Chợ Gạo, Gò Công Tây, Cai Lậy). Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 63 triệu đồng/người, tăng 6,7 triệu đồng so với năm 2020.

 

Toàn tỉnh hiện có 174 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 95 sản phẩm đạt 4 sao và 79 sản phẩm đạt 3 sao. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tỉnh Tiền Giang có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn NTM và phấn đấu đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Tiền Giang đạt chuẩn NTM.

Bình luận