Chủ động hơn trong phát triển thị trường để về đích 55 tỷ USD xuất khẩu NLTS

Bình luận · 212 Lượt xem

Chiều 30/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp Giao ban kết quả công tác chỉ đạo, điều hành tháng 5/2023 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 6 năm 2023. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp Giao ban tháng 5/2023

Theo báo cáo, trong tháng 5, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo các nhiệm vụ về trồng trọt, giống cây trồng, chỉ đạo chăm sóc lúa Đông Xuân 2022 - 2023 tại các tỉnh phía Bắc, thu hoạch vụ Đông Xuân 2022-2023 và xuống giống vụ Hè Thu tại các tỉnh phía Nam; kiểm tra IUU tại các địa phương, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; kiểm tra thực địa một số dự án đầu tư công khu vực Nam Trung Bộ; triển khai các biện pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; chuẩn bị các nội dung thúc đẩy thương mại nông sản với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây, Trung Quốc…

Ngoài ra, công tác hợp tác quốc tế cũng được đẩy mạnh trong tháng 5, với việc tăng cường hợp tác về phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tại Nhật Bản, tham dự Phiên họp lần thứ 2 Tổ công tác về nông nghiệp giữa Việt Nam - Ba Lan, Hội nghị cấp cao lần thứ 90 Đại Hội đồng Thú y thế giới (WOAH) ở Pháp, Hội nghị cấp cao Bộ trưởng sáng kiến “Đổi mới nông nghiệp để ứng phó với biến đổi khí hậu” tại Hoa Kỳ. 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tin tưởng nếu quyết tâm ngành nông nghiệp sẽ về đích mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD xuất khẩu NLTS

Về công tác chuyển đổi số, Bộ đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ; Kế hoạch hoạt động của Ban chỉ đạo chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp của Bộ; Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số các đơn vị thuộc Bộ (DTI).

Các kết quả đạt được về sản xuất như sau: Về trồng trọt, tính đến trung tuần tháng 5, cả nước đã gieo cấy được 4.255,8 nghìn ha lúa, bằng 98,5% so với cùng kỳ; diện tích lúa đã thu hoạch đạt 2.589,4 nghìn ha, bằng 99,2%; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt trên 17,5 triệu tấn, bằng 100,7% so với cùng kỳ; năng suất bình quân đạt 67,4 tạ/ha tăng 1,5% so với cùng kỳ.

Về chăn nuôi, ước tính tổng số lợn của cả nước đến thời điểm cuối tháng 5 năm 2023 tăng 2,6% so với cùng thời điểm năm 2022; tổng số gia cầm tăng 1,3% so với cùng thời điểm năm 2022.

Về lâm nghiêp, cả nước trồng được 85,6 nghìn ha, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: trồng mới rừng sản xuất đạt 84,3 ngàn ha, tăng 0,9%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 6583,2 nghìn m3, tăng 3,3%so với cùng kỳ năm trước.

Về thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 5 tháng ước đạt 3.420,3 nghìn tấn, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Sản lượng khai thác ước đạt 1.583,1 nghìn tấn, giảm 0,3%; sản lượng nuôi trồng ước đạt 1.837,2 nghìn tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp yêu cầu lập đoàn công tác kiểm tra tình hình hạn hán và xâm nhập mặn

Về tình hình xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản (NLTS), kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 5/2023 ước đạt 4,85 tỷ USD, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 5 tháng đầu năm 2023 đạt 20,26 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 10,3 tỷ USD, tăng 9,9%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 190 triệu USD, tăng 34,5%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 3,47 tỷ USD, giảm 25,9%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản ước đạt 5,52 tỷ USD, giảm 26,8%; Giá trị xuất khẩu đầu vào sản xuất ước đạt 779 triệu USD, giảm 25,9%; Giá trị xuất khẩu muối ước đạt 2 triệu USD, giảm 11,9%.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, tổng quan chung tốc độ sản xuất nông nghiệp tháng 5 tăng chậm, xuất khẩu tích cực mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn. Nếu thuận lợi, xúc tiến thương mại mạnh mẽ và quyết liệt, các nhóm ngành hàng như lúa gạo, rau quả hết quý III/2023 sẽ đạt được kết quả bằng quý III/2022, quý IV/2023 tăng tốc thì con số 55 tỷ xuất khẩu NLTS có thể về đích. Trong tháng tới, cần tập trung chỉ đạo sản xuất để duy trì đà tăng trưởng, chú trọng công tác thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, Thủ tướng CP đã có nhiều công điện, trong đó có một số chỉ đạo về hạn hán, xâm nhập mặn, El Nino có thể có nguy cơ vào cuói năm nay, tháng 11 đến đầu năm 2024 có thể đối diện với một đợt hạn hán xâm nhập mặn. Về PCTT, bắt đầu vào mùa thiên tai, trong tháng 6,7 vừa thực hiện công điện về hạn hán và lũ lụt song song, yêu cầu Cục Quản lý đê điều và PCTT lên kế hoạch phân công các thành viên đi kiểm tra trong bối cảnh dự báo một mùa mưa bão thất thường.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhận định, tính đến thời điểm này, so với các ngành kinh tế khác thì ngành nông nghiệp đã tự tin đóng góp chung cho nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn này và hoàn toàn có động lực để tiếp tục hành động trong các tháng tiếp theo.

Từ nay đến cuối năm, chúng ta cố gắng tập trung phát triển thị trường, theo như lời Thủ tướng là ‘chủ động hơn trong phát triển thị trường’ vì khi bắt đầu mở cửa, 6 tháng sau mới có dòng chảy nông sản. Bộ trưởng đề nghị Cục BVTV, Cục Thú y tăng cường tính chủ động để đàm phán thị trường cho các mặt hàng nông sản.

NLA (mard.gov.vn)

Bình luận