Chế phẩm thay thế hiệu quả phân bón lá trên cây hoa

Bình luận · 206 Lượt xem

Là giáo viên dạy Toán cho một trường phổ thông trên địa bàn, bằng sự đam mê với nông nghiệp, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Khánh ở thôn Đa Quý, xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt đã sáng chế thành công “Chế phẩm PNK01” – Chế ph


 

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Toán nhưng với ngọn lửa đam mê, chàng trai trẻ Phạm Ngọc Khánh tiếp tục học văn bằng 2 tại Khoa Nông Lâm, Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh với mong muốn phát triển nông nghiệp. Được bố mẹ vợ chia cho 1 sào đất để sản xuất và thuê đất thêm bên ngoài, hiện nay không chỉ hàng ngày lên học đường để truyền lại kiến thức toán học cho học sinh, tận dụng thời gian rãnh rỗi, anh còn giúp vợ và người thân trong gia đình trồng và chăm sóc hoa tại vườn.

Nhìn thấy bố mẹ trồng hoa cúc nhưng cây phát triển không đều, nhỏ như que tăm, không về được thùng đảm bảo được trọng lượng, anh Khánh trăn trở phải làm sao để cây cúc phát triển tốt, mập thân, chiều cao đạt chuẩn… Từ đó anh bắt đầu tìm hiểu kỹ đặc điểm sinh lý của cây hoa cúc và học hỏi kinh nghiệm của người trồng hoa. Cây cúc thuộc họ thân thảo, muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt cần cân đối hàm lượng đạm-lân-kali. Qua tìm hiểu, anh Khánh nhận thấy, cây hoa cúc muốn đẹp thì bộ rễ phải đẹp (khỏe mạnh), bộ rễ đẹp thì bộ lá phải tốt. Lá và rễ phải song song với nhau. Cây muốn sinh trưởng tốt, mập thân không chỉ phụ thuộc vào nguồn phân chân, thổ nhưỡng, cường độ chiếu sáng mà còn nhờ vào bộ lá. Qua quá trình quang hợp của lá cây tạo ra chất diệp lục, đồng thời tái tạo ra các tế bào, vận chuyển dinh dưỡng xuống dưới để rễ phát triển ra. Vì thế mới bơm phân qua lá để kích thích rễ là như vậy. Cây không quang hợp tốt sẽ không phân giải được nhiều chất hữu cơ. Chất hữu cơ là các amino axit. Còn chất vô cơ phân giải dễ hơn nên cây chỉ lao nhanh chứ không mập. Việc phân giải được amino axit sẽ làm giãn nở tế bào, giúp cây mới mập thân.

Ngoài bón phân đơn, phân bón lá cho cây, anh tìm đến các cửa hàng vật tư nông nghiệp tìm mua các chế phẩm để về pha chế phân bón lá tưới cho cây. Thấy hiệu quả, cây cúc mập lên, phát triển tốt nhưng chi phí lại rất cao, tính ra phải mất 70.000 – 80.000 đồng/bình, mà cây hoa cúc phải bơm phân bón lá liên tục, cứ theo cử (3 ngày/lần) kết hợp với thuốc trị nấm để bơm cho hoa nhằm giữ cho bộ lá không bị nấm bệnh nên chi phí là rất lớn. Vì thế, anh bắt đầu suy nghĩ, phải sáng chế ra loại chế phẩm nào đó để giúp cây cúc phát triển, mập cây và cơ duyên sáng chế ra chế phẩm PNK01 xuất phát từ đây.

Thất bại nhưng không từ bỏ

Việc điều chế ra chế phẩm không chỉ dựa vào công thức là thành công mà còn phụ thuộc vào nhiều thành phần dinh dưỡng đi kèm và dung môi pha chế. Anh Khánh chia sẻ, anh bắt đầu nghiên cứu và thử nghiệm chế phẩm từ năm 2018. Qua nhiều lần điều chế đều thất bại, chế phẩm bị kết tủa, đặc quánh không sử dụng được. Sau đó anh tìm hiểu, nghiên cứu, cân bằng được hàm lượng chất tan và xác định được tỷ lệ thành phần dinh dưỡng chuẩn xác, sử dụng nguồn nước sạch không dính phèn nên chế phẩm đã thành công. Ban đầu anh thử chế phẩm của mình trên các thùng xốp, trên cây cúc 10 ngày, 15 ngày, 1 tháng, 2 tháng… chế phẩm mặc dù không bị kết tủa nhưng bơm chế phẩm lên cây, lá cây có hiện tượng bị cháy. Thử nhiều lần cũng bị thất bại, cây thử phải thay nhiều lần. Không chịu từ bỏ, anh quyết tâm đến các nhà vườn chuyên trồng hoa cúc ở Làng hoa Thái Phiên để học hỏi kinh nghiệm. Tại đây, anh đúc rút được nên pha cái nào trước, cái nào sau, bơm liều lượng như thế nào. “Với dòng siêu lân Gel mà phối với hoạt chất Abamectin có trong thuốc sâu thì bơm cây gì cũng bị cháy lá, gây chết cây”. Vì vậy anh mới nhận ra chế phẩm của mình, thành phần nào không nên phối chung với nhau. Đúng là kinh nghiệm của người chuyên trồng hoa thật quý báu, anh Khánh đánh giá.

Hoàn thiện quy trình và nguồn nguyên liệu điều chế chế phẩm PNK01

Qua quá trình nghiên cứu và thử nghiệm, đến năm 2020 chàng trai trẻ Phạm Ngọc Khánh đã hoàn thiện được quy trình của riêng mình. Từ cách cân bằng tỷ lệ hàm lượng chất tan và dung môi, từ việc lập công thức hóa học, phương trình phản ứng hóa học để tránh sản phẩm bị kết tủa khi phối trộn các chất tan với nhau. Sau 48h pha chế, chế phẩm có thể mang ra sử dụng. Với các thành phần nguyên liệu cung cấp dinh dưỡng đa lượng, trung, vi lượng và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho cây như Đạm Urea, MKP, MAP tinh khiết, SOP, KNO3, K2CO3, Canxi, Magie, Cu, Fe, Zn, Axit Boric, Compound Sodium Nitrophenolate 98%, các loại muối Humat (Humate Organic 09F, Super Potasium Humate), dịch rong biển… Từ những nguyên liệu này, cùng với cách pha chế kỹ lưỡng, chế phẩm PNK01 đã giúp cho cây trồng phát triển mạnh, toàn diện, đặc biệt thân mập, lá to xanh dày, hoa đạt chất lượng; Kích thích rễ phát triển mạnh, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, giúp cây trồng phục hồi do ngộ độc hữu cơ, các bệnh sinh lý của cây, cải tạo đất rất tốt do có chứa nhiều chuỗi các axit amin cần thiết để phân giải hữu cơ, ion 2+…

Kết quả thực nghiệm Chế phẩm PNK01

Đưa chế phẩm PNK01 ra thị trường

Ban đầu chế phẩm PNK01 được anh Khánh chia sẻ và giới thiệu cho người thân và bạn bè quen biết tại Xuân Thọ dùng thử. Đa số mọi người đều đánh giá rất hiệu quả. Ông Nguyễn Đức Bình – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ cho biết: “Chế phẩm PNK01 của thầy Phạm Ngọc Khánh thích hợp cho tất cả các loại cây trồng, đặc biệt tốt cho cây hoa cúc, giá thành lại rất phù hợp (chỉ với 1 bình 25 lít chỉ mất 16.000 đồng/bình/100cc, trong khi đó với việc mua các loại phân bón lá khác như nitrophosca, kích thích ra rễ, điều hoa sinh trưởng… về pha phải mất 30.000 – 40.000 đồng/bình). Hội Nông dân xã Xuân Thọ đã thực nghiệm và mong muốn phổ biến đến nhiều nông hộ trồng hoa trên địa bàn”.

Từ cuối năm 2022, bằng phương tiện Facebook, Zalo, anh Khánh mới bắt đầu giới thiệu sản phẩm đến những người trồng, sản xuất kinh doanh hoa và được nhiều nông dân trồng hoa ở Làng hoa Thái Phiên tin dùng và bắt đầu đặt mua với số lượng lớn. Đến nay đã gần 700 lít chế phẩm được anh đưa đến tận tay cho người trồng hoa ở Thái Phiên. Chỉ với giá 800.000 đồng/can 5 lít, nông dân đã có thể dùng cho gần 1 sào hoa của mình, giảm được khoảng 3,5-4 lần giá thành mà người trồng hoa phải dùng phân bón lá.

Với 100cc cho 25 lít nước bơm cho cây con sau trồng 10-15 ngày, dùng cho đến khi cây hoa cúc có nụ xé màu là ngưng (vì sau thời điểm này, nông hộ kết hợp chế phẩm với thuốc diệt trừ nhện đỏ dễ làm đen cánh bông). Chế phẩm có thể phối kết hợp với nhiều loại thuốc BVTV khác như thuốc trị nấm, ruồi, sâu… Thông thường, người trồng hoa bơm kèm thuốc BVTV theo cử. Với diện tích 1.000m2 từ khi trồng đến khi thu hoạch, bơm gần hết 1 can/5lít mà không cần dùng thêm bất kỳ loại phân bón lá nào. Theo bà con nông dân đã sử dụng chế phẩm NPK01 của thầy Khánh đánh giá, việc sử dụng chế phẩm giúp nông dân giảm 80-85% phân bón lá mà bà con đang sử dụng. Nếu trước kia, 1 sào phải mất 3-4 triệu đồng chi phí mua phân bón lá trên cây hoa cúc thì nay chỉ với 1 can 5 lít đã giúp họ tiết kiệm được rất nhiều chi phí mà cây lại hiệu quả, mập thân.

Việc điều chế thành công chế phẩm PNK01 không chỉ giúp cho gia đình, người thân, bạn bè sử dụng hiệu quả mà đã giúp cho người trồng hoa không chỉ ở Xuân Thọ mà người trồng hoa thành phố Đà Lạt tin dùng... Không chỉ thích hợp trên cây hoa cúc (được thực nghiệm nhiều nhất) mà còn thích hợp với các loại hoa khác như hoa đồng tiền, lily, cát tường, cẩm chướng… Mặc dù chế phẩm chưa được đưa ra thị trường rầm rộ do ban đầu anh Khánh chỉ nghĩ, việc điều chế chế phẩm chỉ phục vụ gia đình, chưa muốn đưa ra nhiều trên thị trường, mặt khác anh còn lo công tác dạy học. Chế phẩm chưa có nhãn mắc và đăng ký thương hiệu, chưa có nguồn gốc xuất xứ, nhưng anh Khánh vẫn tự tin với chế phẩm mình sáng chế ra bằng nguồn nguyên liệu có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đặc biệt được người trồng hoa sử dụng hiệu quả. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều chế phẩm PNK02, PNK03… được anh Khánh điều chế để đưa ra thị trường, giúp bà con nông dân yên tâm sản xuất, giảm được chi phí, tăng hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất canh tác cho tất cả các loại cây trồng tại địa phương./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng

Bình luận