Hơn 51 triệu lao động có việc làm, thu nhập bình quân tăng gần 500.000 đồng/tháng

Bình luận · 207 Lượt xem

Tính đến hết tháng 6/2023, ngành Lao động -Thương binh và Xã hội tạo việc làm cho 51,2 triệu lao động, thu nhập bình quân tăng gần 500.000 đồng/tháng so với cùng kỳ năm 2022.

 

Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới về lao động - việc làm

Bảo hiểm thất nghiệp - 'phao cứu sinh' của người lao động mất việc

Dịch vụ việc làm thực hiện hỗ trợ và phát triển thị trường lao động

 

Tại Hội nghị sơ kết ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết: Tính đến hết tháng 6/2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,3 triệu người, tăng 867 nghìn người so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động nữ là 24,51 triệu người, chiếm tỉ lệ 46,86%; tỉ lệ tham gia lực lượng lao động là 68,9%, tăng 0,6 điểm phần trăm.

 

Lao động có việc làm là 51,2 triệu người, tăng 902 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; riêng khu vực thành thị là gần 19 triệu người, tăng 355 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; khu vực nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 547,1 nghìn người.

 

Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 913,2 nghìn người, giảm 192,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm 6 tháng đầu năm 2023 trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,8 triệu người, chiếm 27%.

 

Tính chung 6 tháng đầu năm, thu nhập bình quân của người lao động là 7 triệu đồng/tháng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 497.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nhập bình quân của lao động nam 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ 5,9 triệu đồng; thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị 8,5 triệu đồng/tháng, khu vực nông thôn 6,1 triệu đồng/tháng.

 

Theo thứ trưởng Lê Văn Thanh, trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro khi sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm... Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, kết nối, hỗ trợ việc làm cho người lao động.

 

Khi mà sức cầu của các thị trường đối với các mặt hàng chính của Việt Nam suy giảm, khiến các doanh nghiệp thiếu vốn, cắt giảm đơn hàng, làm gia tăng số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm...

 

Bộ đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, kịp thời có những giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, người sử dụng lao động trên địa bàn rà soát, thực hiện đúng các chế độ, chính sách cho người lao động; tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên giao dịch việc làm chuyên đề theo từng loại lao động, cụm doanh nghiệp để nhanh chóng kết nối việc làm cho người lao động.

 

Các địa phương cũng đã đẩy mạnh giải ngân vốn cho vay giải quyết việc làm, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội, 03 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay đạt 2.194,7 tỷ đồng; cho vay 37.839 dự án, góp phần hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 62.028 lao động.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Sau tác động của đại dịch, tin tưởng rằng, ngành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục có nhiều đổi mới tốt đẹp hơn để tiếp tục có sinh lực mới, tư duy mới và đạt nhiều kết quả mới.

 

“Từ năm 2016 tới nay, toàn ngành đã nỗ lực 200% khả năng của mình, đặc biệt là tập trung đột phá vào một số lĩnh vực lớn. Trong đó, lĩnh vực thị trường lao động mặc dù còn non trẻ nhưng đã từng bước hình thành và phát triển nhanh chóng, song điều quan trọng hơn cả là đang đi đúng hướng” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu rõ.

 

Đối với nhiệm vụ cụ thể, từ nay đến tháng 10/2023, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải tập trung tham mưu cho Trung ương tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về các chính sách xã hội, đồng thời tham mưu ban hành chính sách mới, chủ trương mới, Nghị quyết mới về chính sách xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các vấn đề chuyển mạnh từ chính sách xã hội sang an sinh xã hội, chuyển từ chăm lo cho đối tượng yếu thế sang chăm lo cho tất cả đối tượng của xã hội. Định hướng đến năm 2030 Việt Nam sẽ là quốc gia tiên phong về vấn đề an sinh xã hội và việc làm công bằng theo sáng kiến của Liên Hợp quốc.

 

“Chúng ta chọn 3 vấn đề có tính chất đột phá về chiến lược đó là hình thành và phát triển nhanh thị trường lao động đúng nghĩa của nó. Thị trường lao động là một trong 5 thị trường căn bản, cốt lõi của nền kinh tế. Đây được coi là yếu tố bền vững, cốt yếu. Mà trong thị trường lao động thì có 2 vấn đề rất quan trọng là việc làm và đời sống.

 

Thời gian tới, toàn ngành Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải tập trung nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động để tiến tới xây dựng một thị trường lao động ổn định, bền vững, bao trùm, hiện đại, linh hoạt và hội nhập. Do đó phải dự báo đúng và trúng cung - cầu thị trường lao động, gắn với đó là đào tạo, bồi dưỡng; theo dõi sát tình hình, chủ động điều tiết thị trường lao động…”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.

 

 

Bình luận