Ổn định đầu ra cho cây dược liệu ở vùng cao Tả Van Chư

Bình luận · 193 Lượt xem

Có nơi bao tiêu sản phẩm đầu ra, bà con dân tộc thiểu số ở Lào Cai mạnh dạn liên kết trồng dược liệu để vươn lên thoát nghèo.

 

Vào mùa thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh

Bảo tồn, phát triển cây dược liệu bền vững

Cây dược liệu, làng du lịch và câu chuyện sinh kế dưới tán rừng

Sa Pa dành 280ha đất trồng 17 loại cây dược liệu quý

 

Vượt khó nhờ cây dược liệu

 

Bắc Hà, một trong những huyện của tỉnh Lào Cai có điều kiện khí hậu, thời tiết và độ cao phù hợp để trồng dược liệu. Tuy nhiên, tập quán canh tác truyền thống của bà con không dễ thay đổi một sớm, một chiều. 

 

Từ thực tế chứng minh tính hiệu quả của việc trồng dược liệu, một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển từ trồng lúa, trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng đương quy, cát cánh, tam thất, thất diệp nhất chi hoa... 

 

Ông Tráng Seo Kênh ở thôn Tẩn Chư, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, trước đây gia đình ông chỉ trồng cây lúa, cây ngô nên quanh năm lúc nào cũng trong tình trạng thiếu thốn trăm bề. Cũng giống như những hộ gia đình khác, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng vẫn trong vòng xoáy khó khăn, chưa kể việc phải chăm lo cho 4 đứa con còn nhỏ. 

 

"Sau khi Hợp tác xã Nông nghiệp Cồ Dề Chải được thành lập, cả 2 vợ chồng tôi được nhận vào làm việc. Khi thấy họ trồng dược liệu có hiệu quả, vợ chồng tôi quyết định liên kết với hợp tác xã trồng 0,4ha tam thất và thất diệp nhất chi hoa, lại còn được trả tiền nhân công, được cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật. Công việc không khó nhưng phải thay đổi cách nghĩ, cách làm. Trước đây chưa có thu nhập thì nhà tôi khó khăn lắm, sau này đi làm mua được ti vi, 2 xe máy rồi", ông Tráng Seo Kênh nói.

 

Tương tự, ông Giàng Seo Vu ở thôn Lả Nhì Thàng, xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, Lào Cai) trước đây gia đình ông cũng chỉ trồng ngô, lúa, không có thêm thu nhập nào khác. Từ khi gia đình ông chuyển sang trồng 1ha cây cát cánh, mỗi năm cây dược liệu này cho thu nhập khoảng 150-200 triệu đồng, nên có của ăn của để.

 

Sinh sống ở Tả Van Chư, 90% là đồng bào dân tộc Mông, trong đó nhiều hộ chỉ quen với việc canh tác giản đơn trồng cây lúa, cây ngô để phục vụ nhu cầu của gia đình. Vì vậy, việc người dân chuyển đổi sang trồng dược liệu gặp những khó khăn nhất định.

 

Ông Sùng Seo Sếnh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Cồ Dề Chải, xã Nậm Mòn (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, ban đầu người dân còn e dè không tham gia liên kết trồng dược liệu mặc dù được hỗ trợ vật tư đầu vào, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua để ổn định đầu ra cho bà con... Thế nhưng, từ những hộ tiêu biểu mạnh dạn làm trước, bà con nhìn nhận thấy trồng dược liệu có hiệu quả nên sau khi cân nhắc đã quyết định tham gia chuỗi liên kết.

 

Sản phẩm đạt những tiêu chuẩn khắt khe nhất

 

Hiện nay, Hợp tác xã Nông nghiệp Cồ Dề Chải đã liên kết, bao tiêu đầu ra trên 20ha cây cát cánh cho bà con Tả Van Chư; liên kết các vườn trồng gần 6ha tam thất và thất diệp nhất chi hoa... Ngoài ra, hợp tác xã liên kết với nông dân ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Yên Bái trồng hàng trăm hécta dược liệu các loại. Tùy từng địa phương, với mỗi đới khí hậu khác nhau, hợp tác xã trồng các loại cây dược liệu phù hợp.

 

Ông Sùng Seo Sếnh cho biết thêm, khó khăn hiện nay, mặt hàng dược liệu của Trung Quốc có giá tương đối thấp, bởi họ trồng với quy mô lớn, có nhiều khâu được cơ giới hóa, giảm sức lao động, giảm được chi phí. Trong khi đó, diện tích đất có thể trồng dược liệu ở Tả Van Chư nói riêng cũng như huyện Bắc Hà nói chung tương đối hạn chế, địa hình chia cắt, nhỏ lẻ nên khó đưa máy móc để sản xuất trên diện rộng.

 

Mặt khác, diện tích đất nông nghiệp của bà con do được khai phá từ xa xưa, chưa có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nên phần nào gặp khó khăn trong tham gia liên kết.

 

Song thế mạnh, mặt hàng dược liệu của bà con Tả Van Chư trồng liên kết, được hợp tác xã bao tiêu sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Qua đó, giúp sản phẩm vượt qua các yêu cầu khắt khe đối với thị trường dược liệu, góp phần giúp bảo vệ, duy trì và phát triển các nguồn gen dược liệu của Việt Nam.

 

Theo ông Trần Ngọc Phương, Chủ tịch UBND xã Tả Van Chư (huyện Bắc Hà, Lào Cai), năm 2023, xã Tả Van Chư tiếp tục trồng 92ha cây dược liệu, trong đó có 80ha cát cánh, còn lại là đương quy và mạch môn. Việc phát triển cây dược liệu ở huyện Bắc Hà cho hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng. Cây cát cánh thu về hơn 157 triệu đồng mỗi hécta. 

 

Năm thứ 5, bà con vùng cao Tả Van Chư gắn bó với cây dược liệu này. Năm ngoái, cát cánh đã mang lại nguồn thu gần 10 tỷ đồng cho bà con nơi đây, hứa hẹn là loại cây xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây cũng là một trong những tiêu chí khó đạt được trong xây dựng nông thôn mới. 

 

Theo kế hoạch năm 2023, huyện Bắc Hà (Lào Cai) trồng 258 ha cây dược liệu, trong đó có 168ha cát cánh, 55ha mạch môn, 20ha đương quy, 5ha atiso, 10 cây dược liệu khác gồm: Đan sâm, đẳng sâm, bạch chỉ, bạch truật… Trong đó, nhiều diện tích liên kết với các đơn vị thu mua, bao tiêu đầu ra.

Bình luận