Đấu thầu xong không đúng ý dân thì rất dở

Bình luận · 250 Lượt xem

Nhiều ý kiến cho rằng, triển khai chương trình giảm nghèo bền vững đang gặp phải những rào cản, nút thắt giữa chính sách và thực tiễn. Làm sao để lo tốt cho dân?

Nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Tuấn Anh.

Thực tế này được nêu ra ở Hội thảo triển khai các chính sách về Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 tại tỉnh Gia Lai, ngày 23/8.

Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, kế hoạch phân bổ vốn thực hiện hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Tiểu dự án 1 và 3 giai đoạn 2021- 2025 là 5.500 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 3.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương (đầu tư phát triển và sự nghiệp) 1.000 tỷ đồng, nguồn vốn hợp pháp khác 1.500 tỷ đồng.

Trong đó, kết quả thực hiện dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp với trên 693 dự án cho khoảng trên 37.500 hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Có khoảng hơn 3.500 người được tập huấn, tư vấn về quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả.

Bên cạnh kết quả đạt được, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cũng chỉ rõ những khó khăn tồn đọng, nhất là việc giải ngân kinh phí thực hiện các dự án còn quá chậm. Điển hình 6 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn phân bổ cho các địa phương trên 803 tỷ đồng, nhưng kết quả giải ngân mới chỉ được hơn 21 tỷ đồng.

Trao dê giống sinh sản cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại làng Yít Tú (xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Ảnh: Tuấn Anh.

Trao dê giống sinh sản cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại làng Yít Tú (xã Ia Din, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Ảnh: Tuấn Anh.

Đánh giá về những khó khăn, theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, hệ thống văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình từ Trung ương chậm, các địa phương do quan điểm chờ hướng dẫn nên công tác tham mưu, đề xuất ban hành của địa phương còn chậm. Hiện nay mới có 43/56 tỉnh bản hành Nghị quyết hướng dẫn, trong đó đa số mới được ban hành vào đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, việc phân bổ vốn, giao kế hoạch vốn chậm, nguồn vốn dự án không được giao cho cả giai đoạn 2021 - 2025 mà chỉ thực hiện giao từng năm. Do vậy, các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc việc lựa chọn, xác định nội dung và hoạt động để thực hiện các dự án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có thời gian thực hiện từ 2-3 năm.

Trước những khó khăn, vướng mắc, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đề nghị xem xét cho phép chuyển nguồn vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo năm 2023 chưa giải ngân hết sang năm 2024. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính giao vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 theo trung hạn để các tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn. Đồng thời, xem xét phân kỳ vốn ngân sách Trung ương theo kế hoạch hàng năm.

Nhìn thực tế khó khăn, vướng mắc ở địa phương, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, đối với Tiểu dự án 1 và 3, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện nội dung về tỷ lệ hỗ trợ và cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Lý do, đối tượng triển khai thực hiện của dự án là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo. Thực trạng hiện nay đa số là hộ nghèo trên địa bàn các huyện thuộc diện khó khăn bệnh tật, thiếu đất sản xuất, không có lao động ổn định nên việc thực hiện thu hồi, quay vòng vốn theo quy định từ 5% đến 40% là không khả thi.

Mặt khác, kết quả triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lý do, các Bộ, cơ quan Trung ương chậm ban hành các văn bản quản lý, tổ chức thực hiện đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, địa phương không có đầy đủ cơ sở để kịp thời tổ chức hoạt động.

Tương tự, ông Ngô Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, việc triển khai mua sắm hàng hóa, vật tư, giống đều do cơ quan, đơn vị được giao vốn thực hiện. Tuy nhiên, theo quy định thì cơ quan được giao vốn chỉ thực hiện giám sát, thanh toán, giải ngân vốn. Mặt khác, đơn vị được giao vốn thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất sẽ ký hợp đồng với đơn vị chủ trì liên kết, người đại diện cộng đồng triển khai thực hiện mua sắm hàng hóa, vật tư... Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật đấu thầu, đơn vị chủ trì liên kết, người đại diện cộng đồng không thể thực hiện được do không đảm bảo theo quy định.

“Những quy định “tréo ngoe” gây bất cập khi thực hiện các thủ tục, hồ sơ xây dựng dự án và thanh quyết toán. Gây không ít khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện giải ngân vốn. Điều này còn ảnh hưởng tới doanh nghiệp trong thực hiện dự án và người dân thụ hưởng trực tiếp”, ông Hưng chia sẻ.

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Tuấn Anh.

Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ảnh: Tuấn Anh.

Ông Hồ Thanh Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: “Mình hỗ trợ người nghèo thì không phải mua sắm thường xuyên. Khoản nào trên 1 tỷ thì cho đấu thầu, khoản nào dưới 1 tỷ thì cho chỉ định thầu, chứ cứ đưa vào kế hoạch mua sắm thường xuyên nên khoản nào 100 triệu trở lên cũng phải đấu thầu là thua. Mà đấu thầu xong không đúng ý của dân người ta không tham gia thì cũng rất dở".

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho biết, đã có rất nhiều ý kiến về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp tháo gỡ. Hôm nay, chúng tôi ghi nhận 5 vấn đề lớn cần tháo gỡ trong việc hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chậm đấu thầu, ban hành chính sách, các quy định về quỹ quay vòng vốn, mua sắm thường xuyên, kinh phí.

“Về vấn đề này, chúng tôi sẽ nghiên cứu tất cả các ý kiến để có những giải pháp cụ thể. Những gì vượt thẩm quyền, chúng tôi sẽ  báo cáo Bộ NN-PTNT, Văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia để tháo gỡ. Chúng tôi cũng lưu ý, không cái gì vượt qua quy định pháp luật được, nên trước mắt các địa phương vẫn phải tuân thủ. Tuy nhiên, đối với việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp mà triển khai chậm thì cũng rất khó cho người hưởng thụ. Vì vậy, cần vận dụng cái hay, cái đúng để làm nâng cao hiệu quả của chương trình”, ông Thịnh chia sẻ.

Bình luận