Đây là hoạt động do Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp (Bộ NN-PTNT) phối hợp với các địa phương tổ chức tại 489 đường Hoàng Quốc Việt, TP Hà Nội.
Tuần lễ có quy mô trên 60 gian hàng của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hội nông dân đến từ nhiều tỉnh thành với các đặc sản như cốm Mễ Trì Hà Nội, thạch đen, bánh khẩu sli Cao Bằng, vải thiều Bắc Giang, sầu riêng, bơ, mãng cầu Đắk Nông, mận Mộc Châu…
Có 3 phân khu: Khu gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán các nông sản, thực phẩm an toàn, điểm nhấn là các sản phẩm trái cây mùa vụ, rau củ tươi và chế biến, sản phẩm thủy sản, chăn nuôi, sản phẩm đặc trưng của các địa phương; Khu hỗ trợ kết nối giao thương, cung ứng hàng nông sản giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã với siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại tại Hà Nội và các tỉnh/thành phố lớn và khu livestream bán nông sản cho các gian hàng, startup tham gia; Khu tư vấn, hướng dẫn trực tiếp cách thức tham gia một số sàn thương mại điện tử lớn và thực hành mở tài khoản/kênh, làm nội dung, livestream bán hàng qua mạng xã hội như facebook, tiktok.
Đặc biệt, tại đây đã tổ chức livestream bán hàng trên TikTok kênh “Chợ phiên OCOP” từ 9h00 – 15h00 trong ngày 24/6.
Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp thông tin, phiên chợ nông sản, đặc sản vùng miền với chủ đề "Tuần lễ quảng bá trà và các sản phẩm trái cây nhiệt đới" là phiên chợ thứ nhất trong chuỗi các phiên chợ được Bộ NN-PTNT chỉ đạo đơn vị phối hợp với các địa phương thực hiện.
Phiên chợ đã kết hợp hình thức bán hàng trực tiếp kiểu truyền thống và bán hàng bằng hình thức livestream qua các nền tảng mạng xã hội để đem đến cho người tiêu dùng thêm phương thức mua sắm mới và tạo sự lan tỏa các tầng giá trị của nông sản.
Việc mua bán được minh bạch khi người tiêu dùng có đầy đủ các thông tin từ sản xuất, chế biến, câu chuyện sản phẩm gắn với bản sắc, văn hóa vùng miền.
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tuần lễ còn giúp hướng nhiều hơn vào thị trường nội địa với phương châm vận động “Hàng Việt Nam chinh phục người tiêu dùng Việt Nam”.
Giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của các tỉnh thành phát triển sản xuất, chế biến, kết nối tiêu thụ nông sản theo chiều sâu, tập trung vào thế mạnh từng vùng miền, từng mùa vụ. Đồng thời đây là cơ hội để người sản xuất gặp gỡ trực tiếp người tiêu dùng, lắng nghe ý kiến phản hồi, giải đáp những thắc mắc của họ để có thể bắt nhịp tốt hơn với thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội thông tin, Hà Nội là một trong những tình thành có quy mô sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước, với sản lượng mỗi năm đạt hơn 737.000 tấn lương thực, đàn lợn 1,4 triệu con; sản phẩm OCOP chiếm 20% tổng sản phẩm OCOP toàn quốc.
Riêng về chế biến thực phẩm, Hà Nội đã có 1.700 cơ sở trong đó 250 cơ sở chế biến chuyên sâu, có hàm lượng khoa học công nghệ cao.
Phiên chợ trong tuần lễ này là cơ hội để doanh nghiệp hợp tác xã tăng cường kết nối giao thương, tiếp cận thị trường, đặc biệt là đưa hàng lên sàn điện tử, phân phối đến các trung tâm thương mại, siêu thị.
Hà Nội còn là nơi có thị trường tiêu thụ rộng lớn với khoảng 10 triệu người nhưng lượng nông sản tự sản xuất ra chỉ đáp ứng khoảng 35-60% nhu cầu tùy từng loại hàng.
Bởi thế phiên chợ trong tuần lễ sẽ là cầu nối giữa Hà Nội với các tỉnh thành, các hợp tác xã, doanh nghiệp để nắm được thông tin về sản xuất, về thị trường. Qua đó không chỉ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đặc sản vùng miền đúng mùa vụ, đúng chất lượng, còn có thể đặt hàng theo thị hiếu của người tiêu dùng, phối hợp cùng quản lý về mặt an toàn vệ sinh thực phẩm. Là cầu nối để Hà Nội và các địa phương trao đổi kinh nghiệm chuyển đổi số trong nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản.
Đây cũng là dịp tốt để Hà Nội giới thiệu và quảng bá các sản phẩm OCOP, các đặc sản nổi tiếng của mình như cốm Mễ Trì, giò chả Ước Lễ, chả vịt Vân Đình…với các tỉnh thành.
Bài viết có sự phối hợp của Chi cục Quản lý Chất lượng Nông, lâm sản và Thủy sản Hà Nội