Chuyển đổi số lấy người dân làm trung tâm

Bình luận · 258 Lượt xem

BÌNH PHƯỚC Chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân, chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm và chuyển đổi số lấy người dân làm chủ thể, làm động lực của sự phát triển.

Đưa người dân biên giới lên môi trường số

Dù Bù Đốp là huyện biên giới của tỉnh Bình Phước, nhưng địa phương đã sớm xác định chuyển đối số là con đường ngắn nhất để xây dựng chính quyền thân thiện, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển. Từ sớm, địa phương đã có nhiều giải pháp đưa người dân lên môi trường số, đem lại nhiều kết quả tích cực.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Bộ phận một cửa tại Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Ông Bùi Quang Luyện, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp cho biết, muốn có nhiều công dân số thì cần có các hoạt động hỗ trợ đưa người dân lên môi trường số. Vì thế, huyện Bù Đốp đã thành lập 52/52 tổ cộng đồng số với khoảng 400 thành viên. Chính vì vậy, các tổ công nghệ số cộng đồng đã dành nhiều thời gian đến địa bàn các thôn, ấp để hỗ trợ người dân tham gia chuyển đổi số, hướng dẫn người dân tiếp cận công nghệ theo cách “cầm tay chỉ việc”, từ việc tạo tài khoản dịch vụ công quốc gia cho đến sử dụng các dịch vụ số thiết yếu gắn với đời sống dân sinh như y tế, giáo dục, thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) trực tuyến…

Người dân được cán bộ Trung tâm hướng dẫn tra cứu thông tin thủ tục hành chính trực tuyến. Ảnh: Trần Trung.

Người dân được cán bộ Trung tâm hướng dẫn tra cứu thông tin thủ tục hành chính trực tuyến. Ảnh: Trần Trung.

Song song đó, nhằm giải quyết thủ tục hành chính cấp thiết cho người dân, ngay từ đầu năm 2022, huyện Bù Đốp đã đưa vào vận hành Trung tâm phục vụ hành chính công và làm đầu mối tập trung các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trong huyện tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).  Cũng tại đây, người dân và doanh nghiệp tiếp cận, làm quen với cách thức đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến.

Bà Đinh Thị Huê, nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp chia sẻ: “Trung tâm đã triển khai nhiều kênh giao tiếp, trao đổi thông tin với người dân trong quá trình giải quyết hồ sơ. Các phương thức thanh toán phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính không dùng tiền mặt đang nhận được sự hưởng ứng của người dân vì sự tiện lợi, giảm chi phí xã hội trong giao dịch tài chính liên quan đến quá trình giải quyết TTHC tại Trung tâm và bộ phận một cửa các xã, thị trấn”.

Đang làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Bộ phận một cửa Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp, bà Điểu Thị Hương ngụ thôn 3, xã Thiện Hưng cho biết, là người đồng bào nên nhận thức về thủ tục pháp lý còn hạn chế, nhờ hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm về tra cứu thông tin, kiểm tra tiến độ xử lý thủ tục qua máy tra cứu thông tin được đặt ngay tại đại sảnh của trung tâm hành chính công, bà đã nắm bắt và rút ngắn tiến trình giải quyết các thủ tục hành chính.

Bà Điểu Thị Hương hài lòng với cung cách phục vụ của cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

Bà Điểu Thị Hương hài lòng với cung cách phục vụ của cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công huyện Bù Đốp. Ảnh: Trần Trung.

“Nhờ đẩy mạnh chuyển đối số, đặc biệt là việc xử lý hồ sơ qua mạng đã rút ngắn thời gian từ 40 - 60%. Người dân được tạo điều kiện khi thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí rất nhiều, từ đó, độ hài lòng của người dân về chính quyền ngày một nâng lên”, ông Bùi Quang Luyện phấn khởi nói.

Chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân

Bình Phước là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, tính đến hết tháng 7/2023 Bình Phước đã hoàn thành 22 chỉ tiêu trong 39 chỉ tiêu theo Kế hoạch hoạt động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: Trần Trung.

Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: Trần Trung.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 999-KL/TU ngày 12/5/2023 về tăng cường lãnh đạo đẩy mạnh phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 196 thực hiện chiến dịch "90 ngày, đêm" thu nhận, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh.

Bình Phước luôn ưu tiên, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Trần Trung.

Bình Phước luôn ưu tiên, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân. Ảnh: Trần Trung.

Bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, Bình Phước luôn ưu tiên, sắp xếp các nhiệm vụ, công việc chuyển đổi số theo lĩnh vực, doanh nghiệp, người dân cần thì chuyển đổi trước; chuyển đổi trong từng lĩnh vực tiến tới chuyển đổi toàn diện, chuyển đổi số có trọng tâm, trọng điểm và chuyển đổi số lấy người dân làm chủ thể, làm động lực của sự phát triển. Đây là 3 mục tiêu mà Bình Phước luôn kiên trì trong quá trình chuyển đổi số.

Tháng 7/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Kết quả Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) của các Bộ, tỉnh năm 2022, với 9 chỉ số chính và 98 chỉ số thành phần. Xếp hạng DTI năm 2022 cấp tỉnh, Bình Phước xếp thứ 12/63 tỉnbih, thành phố giảm 3 bậc so với năm 2021 (xếp thứ 09/63).

Bình luận