47 hồ chứa ở Hà Tĩnh 'run rẩy' trước mùa mưa lũ

Bình luận · 238 Lượt xem

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 130 hồ chứa hư hỏng chưa có kinh phí nâng cấp; trong đó 47 hồ xung yếu, nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023.

47 hồ chứa “run rẩy”

Thời điểm này những năm trước, Hà Tĩnh đã bước vào mùa mưa lũ nhưng năm nay, theo dự báo lũ sẽ đến muộn và cấp tập. Do đó, chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn, đơn vị quản lý, vận hành công trình thủy lợi cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt chú ý đến việc xây dựng kịch bản vừa đáp ứng tích nước phục vụ tưới sản xuất năm sau vừa đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du hồ chứa trong thời gian mưa lũ dồn dập.

Sau khi rà soát, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 47 hồ chứa xung yếu nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023. Ảnh: Thanh Nga.

Sau khi rà soát, toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có 47 hồ chứa xung yếu nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023. Ảnh: Thanh Nga.

Theo ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh, trong tổng số 348 hồ chứa nước đã đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 130 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa; trong đó 47 hồ xung yếu nguy cơ mất an toàn cao trong mùa mưa lũ năm 2023. Điển hình là các hồ Cha Chạm (thân đập mỏng yếu, bị sạt lở mái thượng lưu đập); hồ Đập Trạng (bị thấm mạnh chảy thành dòng, gây sình lầy trên mái hạ lưu đập); hồ Mục Bài (đập cao, dưới chân đập là dòng sông, việc sạt trượt ngày càng ăn sâu vào chân đập); hồ Đá Bạc (đập đất bị thấp mạnh, nều địa chất rất yếu)…

“Với thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, trong đó có hiện tượng mưa lớn vượt ra ngoài các quy luật thông thường, trong mùa mưa bão năm nay, vấn đề chúng tôi quan tâm nhất là đảm bảo an toàn cho các hồ chứa có hạ du là khu dân cư, khu kinh tế trọng điểm và các công trình chưa có đường quản lý, đi lại khó khăn”, ông Thịnh nói.

Hương Khê là huyện miền núi đang có nhiều hồ chứa nước vừa và nhỏ bị hư hỏng, xuống cấp chưa có kinh phí nâng cấp, sửa chữa nhất tỉnh Hà Tĩnh. Đặc biệt, địa phương này luôn thường trực một “quả bom nước” Hố Hô treo trên đầu hàng chục nghìn hộ dân hạ du. Chính vì vậy, trước mùa mưa lũ công tác đảm bảo an toàn cho công trình và hạ du người dân đặc biệt quan tâm.

Ông Cử, người dân xã Hương Giang, huyện Hương Khê chưa quên trận lũ lụt hồi tháng 10/2016. Lúc bấy giờ, mưa lớn liên tục trong nhiều giờ liền kết hợp thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ, lưu lượng lên đến 1.500m3/s khiến người dân trở tay không kịp. Nước lũ ngập sâu hơn 2m, tài sản, hoa màu, gia súc trôi theo “hà bá”, thiệt hại vô cùng lớn.

“Khi đó chúng tôi lo nhất là vỡ hồ. Nếu tình huống đó xảy ra thì hậu quả không ai dám nghĩ tới. Mấy năm gần đây, mặc dù chính quyền địa phương và đơn vị vận hành Nhà máy thủy điện Hố Hô đã phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc vận hành xả lũ song trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, bất thường thì sự cẩn trọng của ngành chuyên môn, chính quyền các cấp và sự chủ động thực hiện quy trình xả lũ đảm bảo an toàn cho người và tài sản vùng hạ du là cực kỳ cần thiết”, ông Cử nói.

Phân tích các yếu tố chính tác động đến việc đảm bảo an toàn hồ chứa, ông Trần Duy Chiến, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho rằng, trước hết là ảnh hưởng thời tiết khí hậu cực đoan, mưa lũ lớn. Hầu hết hồ chứa thường khống chế một lưu vực nhất định, khi mưa lớn toàn bộ nước mưa trên lưu vực dồn vào “bụng” hồ phía trước đập, lưu lượng càng lớn, nước dồn về càng nhiều.

Hơn nữa mỗi hồ chứa được tính toán thiết kế khẩu diện tràn xả lũ theo một tần suất nhất định nhưng khi gặp các trận lũ lớn vượt tần suất thiết kế sẽ làm cho tràn xả lũ không kịp, khiến cho nước hồ dâng lên tràn đỉnh đập và có thể gây vỡ đập. Đồng thời hiện tượng thời tiết nắng nóng với nền nhiệt độ cao, kéo dài làm hạ thấp mực nước ngầm cũng là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn hồ chứa.

Thủy điện Hố Hô là một trong những công trình cần sự chủ động vận hành xả lũ trong mùa mưa. Ảnh: Thanh Nga.

Thủy điện Hố Hô là một trong những công trình cần sự chủ động vận hành xả lũ trong mùa mưa. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ hai, công trình thi công không đảm bảo chất lượng gây thấm thân đập, nền đập và công trình khai thác sử dụng lâu ngày bị xuống cấp, hư hỏng, các kết cấu bị mục, nứt, rò rỉ nước không được sửa chữa kịp thời có thể gây vỡ đập.

Yếu tố thứ 3 là năng lực quản lý, vận hành công trình. Người quản lý phải có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc vận hành điều tiết hồ chứa; quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, phát hiện để xử lý giờ đầu của các sự cố có thể xảy ra. Chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với tình huống, sự cố khi mưa lũ lớn.   

Thực hiện song hành giải pháp công trình và phi công trình

Mùa mưa lũ năm 2023 đang cận kề, để ứng phó các tình huống sự cố có thể xảy ra, Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh đã thành lập Tiểu ban kỹ thuật công trình thủy lợi năm 2023 để tham mưu giúp Ban chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh trong việc quyết định phương án kỹ thuật xử lý sự cố công trình thủy lợi, đê điều.

Đối với những hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi... phải chủ động lên kịch bản ứng phó sự cố từ sớm. Ảnh: Thanh Nga.

Đối với những hồ chứa lớn như Kẻ Gỗ, Ngàn Trươi... phải chủ động lên kịch bản ứng phó sự cố từ sớm. Ảnh: Thanh Nga.

Về phía đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hồ chứa, ông Trần Duy Chiến, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam Hà Tĩnh cho rằng, muốn giảm thiểu rủi ro trong mùa mưa lũ phải thực hiện song hành các giải pháp công trình và phi công trình.

Đối với nhóm giải pháp công trình, định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra, rà soát, tổng hợp, đề xuất kinh phí sửa chữa, cải tạo công trình ưu tiên đầu tư theo quy mô và mức độ hư hỏng; bố trí kinh phí đầu tư lắp đặt, hiện đại hóa các trang thiết bị quản lý.

Thực hiện duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên để chống xuống cấp công trình, tránh việc các hư hỏng nhỏ không được sửa chữa kịp thời để thành hư hỏng lớn.

Còn nhóm giải pháp phi công trình, trước tiên cần tiến hành lập, điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành; quy trình bảo trì; xây dựng phương án phòng chống thiên tai, ứng phó tình huống khẩn cấp, kiểm định an toàn hồ đập… phù hợp thực tiễn và tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng hiện nay.

Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành công trình phù hợp thực tiễn biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Nga.

Đồng thời điều chỉnh, bổ sung quy trình vận hành công trình phù hợp thực tiễn biến đổi khí hậu. Ảnh: Thanh Nga.

Thứ hai, sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực chuyên môn trong kiểm tra, quan trắc, dự báo an toàn hồ đập cho đội ngũ quản lý, vận hành hồ chứa.

Tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng về tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn hành lang công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện các quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ chứa. Mạnh tay xử lý các tổ chức, cá nhân không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về quản lý an toàn hồ đập; vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi. Đặc biệt, tăng cường bảo vệ rừng đầu nguồn, ưu tiên phát triển trồng cây, thảm thực vật trong lưu vực hồ chứa thủy lợi để đảm bảo nguồn sinh thủy, giữ nước và chống xói mòn.

“Về lâu dài, Hà Tĩnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ kinh phí nâng cấp, sửa chữa các hồ đập hư hỏng, xuống cấp. Hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật trong công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về năng lực của tổ chức và cá nhân quản lý công trình theo quy định Luật Thủy lợi và Nghị định 67/2018/NĐ-CP. Đồng thời, đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác quản lý các công trình hồ chứa đáp ứng quy định của Nghị định 114/2018/NĐ-CP”, ông Trần Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Tĩnh nhấn mạnh.

Bình luận