Bảo tồn rùa và thú biển [Bài 1]: 30 năm bảo tồn sinh thái biển, đất ngập nước, rừng Côn Đảo
Bảo tồn rùa và thú biển [Bài 2]: Xây ‘nhà’ cho rùa biển
Bảo tồn rùa và thú biển [Bài 3]: Đánh bắt phải tránh rùa - điều kiện để xuất khẩu hải sản
Bảo tồn rùa và thú biển [Bài 4]: Phát triển du lịch biển hài hòa, bảo tồn sẽ vững bền
Trong những năm qua, ngành thủy sản đã hoạt động tích cực trong công tác bảo tồn rùa biển nói riêng và thú biển nói chung. Nhận thức về vấn đề này đã được nâng cao trong cả cơ quan quản lý và xã hội, các hành vi vi phạm phát luật liên quan đến rùa biển được ngăn chặn và xử lý hiệu quả.
Bên cạnh nỗ lực của ngành thủy sản, còn có đóng góp của các tổ chức quốc tế như TRAFFIC, Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)... trong công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phối hợp hành động. Để hiểu hơn về các hoạt động của các tổ chức quốc tế tại Việt Nam trong công tác bảo tồn rùa và thú biển, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn với bà Nguyễn Tuyết Trinh, Giám đốc Văn phòng Dự án Tổ chức TRAFFIC International tại Việt Nam.
Hiện rùa biển vẫn đang đứng trước thực trạng suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng do bị ảnh hưởng từ những hoạt động kinh tế - xã hội, gây ô nhiễm môi trường của con người.
Vừa qua, TRAFFIC đã tổ chức một hội nghị về bảo tồn rùa biển nói riêng và thú biển nói chung. Vậy bà đánh giá thế nào về tình trạng bảo tồn của Việt Nam hiện nay đối với rùa biển và thú biển?
Việt Nam chưa có chương trình nghiên cứu quốc gia về thú biển và các giải pháp bảo tồn thú biển chưa nhận được nhiều sự quan tâm. Hội thảo Quốc gia về Rùa biển và Thú biển do Bộ NN-PTNT phối hợp với Văn phòng tổ chức TRAFFIC International Việt Nam (TRAFFIC) là cơ hội quý giá để các đại biểu đến từ các vườn quốc gia trên khắp đất nước, các cán bộ quản lý từ Bộ NN-PTNT chia sẻ và trao đổi cùng các đối tác là các tổ chức phi chính phủ có hỗ trợ hoạt động bảo tồn rùa biển và thú biển tại Việt Nam. Qua đó, các chuyên gia có cơ hội đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn các loài rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025; giới thiệu một số kết quả, giải pháp và mô hình bảo tồn rùa biển và thú biển; định hướng và đề xuất các giải pháp bảo tồn rùa biển và thú biển trong thời gian tới.
Về rùa biển, vùng biển Việt Nam có quần thể rùa biển quý giá bao gồm 5 loài, và mỗi loài lại có vai trò khác nhau trong hệ sinh thái mà nó sinh sống. 5 loài rùa biển phân bố tại Việt Nam bao gồm: Rùa da (Dermochelys coriacea) mà người dân địa phương còn gọi là con ba khía, bảy khía, ông tam, bà khế...; vích (Chelonia mydas), hay còn gọi là rùa xanh, tráng bông; đồi mồi (Eretmochelys imbricata), người dân địa phương còn gọi là con vẩy; đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea); quản đồng (Caretta caretta), một số địa phương còn gọi là rùa đầu to. Trong số này, ngoài quản đồng chỉ kiếm ăn, các loài còn lại đều sinh sản trên các bãi cát tại Việt Nam (Sách đỏ IUCN, 2002).
Cả 5 loài rùa biển đều nằm trong Sách đỏ Việt Nam. Trước năm 1975, các loài rùa biển phân bố tại hầu hết các vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay chúng chỉ còn được tìm thấy tại một số khu vực như tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên, Ninh Thuận, Côn Đảo, Phú Quốc với số lượng rất ít. Từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm là mùa cao điểm rùa mẹ lên các bãi cát làm tổ, đẻ trứng.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến nhằm bảo tồn rùa biển và nơi sinh sống của chúng, có thể kể ra như Tổng cục Thủy sản Việt Nam (DFISH) phối hợp với một số tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và khu vực thực hiện các chiến dịch hỗ trợ kỹ thuật cho các khu bảo tồn biển (KBTB) để bảo vệ rùa, tuần tra các bãi biển làm tổ của chúng và giám sát quần thể để giảm tỷ lệ tử vong của rùa biển.
Chương trình Tình nguyện viên bảo tồn rùa biển do IUCN chủ trì được thực hiện từ năm 2014 đến nay tại các KBTB Hòn Cau, Vườn quốc gia (VQG) Côn Đảo, VQG Núi Chúa; hay như hoạt động làm biển hiệu, pa nô, áp phích, các chiến dịch truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ rùa biển (trong đó cung cấp thông tin về các quy định pháp luật, mức xử phạt vi phạm rùa biển,) do TRAFFIC, IUCN, Trung tâm Giáo dục thiên nhiên Việt Nam (ENV) thực hiện tại các KBTB Cù Lao Chàm, VQG Côn Đảo, VQG Núi Chúa…
Để tiếp nối những nỗ lực bảo vệ các loài rùa biển trước nguy cơ tuyệt chủng, ngày 14/3/2016, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ban hành Quyết định số 811/QĐ- BNN-TCTS phê duyệt Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025. Đặc biệt, một sự kiện đánh dấu thành công trong các nỗ lực bảo tồn rùa biển ở Việt Nam đó là việc VQG Côn Đảo được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) công nhận là thành viên Mạng lưới khu bảo tồn rùa biển quan trọng khu vực Ấn Độ Dương và Đông Nam Á (IOSEA) năm 2019.
Mặc dù vậy, hiện rùa biển vẫn đang đứng trước thực trạng suy giảm nghiêm trọng và có nguy cơ tuyệt chủng do bị ảnh hưởng từ những hoạt động kinh tế - xã hội, gây ô nhiễm môi trường của con người làm thu hẹp, mất nơi sống, nơi kiếm ăn và sinh sản của rùa biển, cũng như việc đánh bắt trái phép, đánh bắt không chủ ý trong quá trình khai thác thủy sản trên biển.
Với tình hình bảo tồn rùa biển và thú biển hiện nay, TRAFFIC hiện đang có những dự án, chương trình, kế hoạch hành động gì để cùng phối hợp với Bộ NN-PTNT trong nỗ lực này?
Trong những năm vừa qua, TRAFFIC đã phối hợp với các đơn vị thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ NN-PTNT để triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục hướng tới tăng cường nhận thức và thay đổi hành vi cho ngư dân, những người có khả năng cao bắt gặp rùa biển trong quá trình đánh bắt hải sản. Bên cạnh đó, TRAFFIC cũng đã phối hợp với Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản (VIFEB) để triển khai khảo sát về tình trạng buôn bán trái pháp luật rùa biển và các sản phẩm từ chúng trong năm 2023. Các kết quả chính của khảo sát đã cung cấp bức tranh tổng quan về hiện trạng buôn bán rùa biển tại Việt Nam, cung cấp nguồn dữ liệu quan trọng về hiện trạng đánh bắt không chủ ý đối với rùa biển, đồng thời đưa ra các kiến nghị cho các bên liên quan. Các kết quả này được chia sẻ sơ bộ tại Hội thảo quốc gia về bảo tồn Rùa biển và Thú biển và dự kiến báo cáo chính thức sẽ được TRAFFIC công bố vào cuối năm 2023.
Hoạt động truyền thông và khảo sát thị trường về rùa biển sẽ được TRAFFIC tiếp tục hỗ trợ triển khai trong năm 2024 và 2025.
Bên cạnh đó, TRAFFIC có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ những hoạt động đã được phê duyệt trong Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2025, trong đó sẽ tập trung phối hợp với Cục Kiểm ngư, đơn vị chịu trách nhiệm chính về các hoạt động bảo tồn rùa biển và thú biển tại Việt Nam, triển khai các hoạt động như tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ ban quản lý các KBTB và các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn rùa biển, tiếp cận với các đào tạo về Shellbank (kỹ thuật thu thập và phân tích mẫu gen về rùa biển, xây dựng cơ sở dữ liệu về rùa biển theo tiêu chuẩn quốc tế); tổ chức hội thảo quốc gia về bảo tồn rùa biển; kết với các tổ chức phi chính phủ để huy động thêm các nguồn tài trợ nhằm cung cấp miễn phí thẻ định danh rùa biển cho các cơ quan quản lý phía Việt Nam nhằm tăng cường kết quả theo dõi di chuyển quần thể đối với rùa biển; phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn rùa biển.
Bên cạnh các chương trình bảo vệ rùa biển, TRAFFIC cũng triển khai nhiều chương trình bảo tồn các loài khác như cá đuối, cá mập.
Hoạt động đánh bắt không bền vững, tình trạng thiếu hiểu biết về loài và khối lượng các loài thủy sản được khai thác, mua bán là hai trong số những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc khủng hoảng của đại dương. Vậy TRAFFIC đã có những hỗ trợ gì cho Việt Nam trong nỗ lực khai thác thủy sản bền vững, góp phần chống khai thác thủy sản bất hợp pháp?
Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo “Hiện trạng Buôn bán trái phép rùa biển và các sản phẩm từ rùa biển tại Việt Nam” do TRAFFIC phối hợp với các chuyên gia từ VIFEB thực hiện vào đầu năm 2023, tại Việt Nam hiện không có nghề khai thác có chủ ý đối với rùa biển. Tuy nhiên tỉ lệ mắc lưới và tử vong của rùa biển còn khá cao. Đặc biệt đối với nghệ lưới kéo (giã cào) và nghề lưới rê, nếu rùa biển chẳng may mắc vào ngư cụ thì hầu như sẽ bị chết.
Các ngành nghề đánh bắt thủy hải sản còn lại (nghề câu, nghề lặn) có tỷ lệ gặp rùa thấp hơn nhưng cũng còn tùy thuộc vào khả năng sơ cứu và xử lý tình huống của ngư dân trên biển. Còn tồn tại tình trạng lén lút ăn thịt rùa hoặc lấy trứng rùa (nếu chẳng may rùa mắc lưới chết) trên các tàu cá. Vì vậy trong thời gian tới, TRAFFIC sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho ngư dân về cứu hộ và xử lý khi rùa mắc lưới, cách nhận dạng và ghi chép nhật ký khai thác để có được giữ liệu về rùa biển mắc lưới. Ngoài ra TRAFFIC cũng sẽ hỗ trợ các cán bộ quản lý nhà nước trong đào tạo về sơ cứu rùa mắc lưới, lấy mẫu và phân tích các mẫu gen về rùa phục vụ công tác nghiên cứu và xây dựng cơ sở giữ liệu về rùa biển.
Xin cảm ơn bà!