Chuỗi mạ khay, máy cấy giúp xã Liên Hà không bị bỏ ruộng hoang

Bình luận · 209 Lượt xem

Theo ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, hiện thành phố đã có 159 chuỗi liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhờ có các chuỗi liên kết này mà nông dân sản xuất theo nhu cầu thị trường chứ không còn sản xuất tự phát nên việc tiêu thụ thuận lợi hơn, thu nhập cao hơn 10 - 15% so với trước; đồng thời, khi thực hiện theo chuỗi cũng giúp nâng cao năng lực quản lý, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp, đổi mới chúng, giúp doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định để sản xuất, mở rộng quy mô; thuận tiện cho các cơ quan, ban ngành có liên quan trong việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh Tổng hợp xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội là một trong những chuỗi như vậy khi biết ứng dụng cơ giới hóa gieo mạ khay, cấy máy để phục vụ cho nông dân trên địa bàn, mỗi năm 480 ha. Xin được giới thiệu qua về Liên Hà là xã có khoảng hơn 1.000 cơ sở, hộ gia đình chuyên sản xuất đồ mộc, bình quân mỗi tháng cung cấp cho thị trường hàng chục nghìn sản phẩm cả cao cấp lẫn bình dân, tạo thu nhập từ 10-15 triệu đồng/người/tháng.

Mạ khay máy cấy giải phóng sức lao động nặng nhọc. Ảnh: NNVN.

Mạ khay máy cấy giải phóng sức lao động nặng nhọc. Ảnh: NNVN.

Thế nhưng ở đây không để tình trạng ruộng hoang như nhiều nơi, một phần là nhờ vào dịch vụ mạ khay, máy cấy của HTX. Ông Lê Văn Tị - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh Tổng hợp xã Liên Hà kể lại rằng,  năm 2014 đơn vị mới đưa mạ khay máy cấy vào địa bàn. Diện tích đất nông nghiệp của xã rộng tới 520ha, có nghề mộc phát triển nên chỉ còn người già và phụ nữ làm ruộng, rất thuận tiện cho mạ khay, cấy máy.

Tuy nhiên thời gian đầu HTX cũng gặp không ít khó khăn như tìm nguồn đất làm giá thể, vụ mùa có những năm nhiệt độ ngoài trời rất nóng, làm mạ rất khó, dễ bị chết. Nhờ UBND xã và các thôn tạo điều kiện cho HTX mượn được các khoảng sân để làm mạ nên cũng đỡ được phần nhiều. Để chủ động thời vụ làm mạ khay ấy, cán bộ HTX ở đây rất linh động trong sinh hoạt, họ ăn cơm trưa ngay ở trụ sở, lắm khi tối 8 - 9 giờ mới được về nhà vì còn tranh thủ tưới dưỡng, kiểm tra tình hình sinh trưởng của cây. Được cái ông Chủ tịch HTX luôn động viên tinh thần mọi người và kết quả mỗi vụ đơn vị cũng được lãi khoảng hơn 100 triệu đồng nên ai nấy đều phấn khởi.

Thăm lúa ở Liên Hà. Ảnh: NNVN.

Thăm lúa ở Liên Hà. Ảnh: NNVN.

Cho đến nay khoảng 55 - 60% diện tích lúa ở xã Liên Hà là được cấy bằng mạ khay, máy cấy và nông dân càng ngày càng ưa chuộng nó bởi không phải còng lưng đi cấy tay trong nắng lửa hay mưa dầm. Nếu phải thuê thì cấy tay có giá trung bình 350.000 - 400.000 đồng/sào trong khi đó cấy máy chỉ 320.000 đồng/sào, lại kèm theo cả giống, gia đình không phải lo chăm sóc đám mạ nữa. Hơn thế, cấy máy giảm công phòng trừ sâu bệnh do cấy thưa hơn, cây lúa phát triển thông thoáng hơn, đồng ruộng ít sâu hơn, năng suất thêm được cỡ 30 kg thóc/sào.

Nhờ chuỗi liên kết với các hộ dân trên địa bàn mà phương thức mạ khay, máy cấy ở Liên Hà đang trên đà mở rộng hơn nữa.  HTX của ông Tị có 7 thành viên, mỗi người đóng 100 triệu để cùng chung sức nhưng vốn thế vẫn là chưa đủ. Do diện tích cấy lúa quá lớn nên 2 máy cấy dạng người ngồi lái của đơn vị vẫn là thiếu, đến thời vụ HTX phải huy động thêm máy cấy bên ngoài nữa. Khi cấy xong ở địa bàn mình, máy của HTX lại được mượn đi cấy ở nơi khác cũng theo cách tương tự.

Hà Nội đang có diện tích gieo trồng lúa hàng năm khoảng 160.000ha, là một trong những tỉnh thành có diện tích đất trồng lúa lớn ở miền Bắc. Thời gian gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống: đưa các giống lúa mới vừa có năng suất cao, chất lượng ngon vừa thích ứng với biến đổi khí hậu vào sản xuất; Cùng với áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật trong canh tác, đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, đã hình thành nhiều chuỗi liên kết sản xuất mạ khay máy cấy, lúa gạo chất lượng, quy mô tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả trong sản xuất lúa, nâng cao đời sống cho người nông dân và đảm bảo an ninh lương thực, là cơ sở vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bình luận