Lồng bè HDPE làm đúng sẽ đảm bảo an toàn, hiệu quả

Bình luận · 234 Lượt xem

HẢI PHÒNG Đại diện Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Hải Phòng đã chia sẻ với Báo Nông nghiệp Việt Nam về nuôi biển và nuôi cá bằng lồng bè HDPE tại Cát Bà.

Bất cập do “thiết kế không đúng theo đề án”

Liên quan đến phản ánh của người dân về những bất cập xảy ra tại một số hộ dân tiên phong đóng lồng bè bằng vật liệu ống nhựa HDPE vừa qua tại Cát Bà, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã có buổi làm việc với Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT Hải Phòng.

Ông Đỗ Đức Thịnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hải Phòng, cho biết, những lồng bè người dân phản ánh vừa qua là các trường hợp đã tiên phong thực hiện đóng bè vật liệu mới (HDPE) trước khi Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà được phê duyệt, vì vậy chưa đúng theo mẫu hướng dẫn tại đề án.

Lồng bè duy nhất được thiết kế theo mẫu đề án của UBND TP Hải Phòng tại Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Lồng bè duy nhất được thiết kế theo mẫu đề án của UBND TP Hải Phòng tại Cát Bà. Ảnh: Đinh Mười.

Cả 9 trường hợp, người dân tiên phong tự thỏa thuận với doanh nghiệp và đóng lồng bè, không được cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá trước khi hạ thủy.

Với 1 trường hợp đóng lồng bè bằng nhựa HDPE theo mẫu Đề án, sau khi bàn giao người dân có phản hồi tốt, qua kiểm tra thực tế chưa phát sinh bất cập.

Đánh giá tinh thần tiên phong trong chấp hành thực hiện chủ trương của thành phố về hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý cho 9 cơ sở lồng bè HDPE nói trên được tham gia nuôi trồng thủy sản theo “Đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà”.

Tuy nhiên, các trường hợp này phải bổ sung trang bị hệ thống xử lý nước thải đảm bảo theo đề án và cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà chòi, phao nổi đảm bảo an toàn kỹ thuật.

Để rộng đường dư luận về những vấn đề người dân phản ánh liên quan đến môi trường, độ an toàn và vùng nuôi,… ông Thịnh thông tin, trong 9 bè sử dụng ống nhựa HDPE người dân đóng trước khi Đề án được phê duyệt, qua kiểm tra đầu tháng 5/2023, cơ quan chức năng xác định có 3 bè đã thả cá giống từ năm 2022, cá triển tốt, sau 1 năm từ cá giống thả nuôi đã đạt cỡ 1-2kg/con.

Lồng bè sử dụng ống nhự HDPE do người dân phối hợp với doanh nghiệp tự đóng, không theo đề án có xuất hiện bất cập nhưng đang được khắc phục. Ảnh: Đinh Mười.

Lồng bè sử dụng ống nhự HDPE do người dân phối hợp với doanh nghiệp tự đóng, không theo đề án có xuất hiện bất cập nhưng đang được khắc phục. Ảnh: Đinh Mười.

Với 2 bè có nuôi giữ cá thương phẩm từ bè cũ chuyển sang, trong đó có 1 bè có hiện tượng cá bị chết sau khi chuyển từ bè cũ sang được 4 ngày, 1 bè còn lại cá vẫn phát triển bình thường.

Các bè còn lại hiện chưa thả cá nuôi do UBND huyện Cát Hải chưa giao khu vực biển cho người dân, chưa đồng ý cho thả nuôi.

Người dân bức xúc vì bè đóng đã lâu nhưng chưa được địa phương giao khu vực biển, cho phép thả cá nuôi, gây thiệt hại do khấu hao tài sản, bố trí trông coi...

UBND TP Hải Phòng đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Cát Hải thực hiện giao khu vực biển cho các cá nhân theo đúng  các vị trí đã được phê duyệt, đúng thẩm quyền và quy định pháp luật.

Việc người dân phản ánh cho rằng “chỉ nuôi với 16 ô lồng thì hiệu quả kinh tế không cao”, ông Thịnh khẳng định, ý kiến này chưa khách quan.

Trước khi đóng 10 lồng bè có sử dụng ống nhựa HDPE, hơn ai hết người dân đã tính toán kỹ, cảm thấy có hiệu quả thì mới quyết định làm, hoàn toàn không chịu sự tác động của cơ quan quản lý.

Một số lồng bè đóng mới có sử dựng ống nhựa HDPE của doanh nghiệp đang bị sụt, hỏng, độ nổi không cao, phao co móp… đại diện Chi cục Thủy sản cho biết quá trình đi kiểm tra thực tế, nội dung người dân phản ánh là đúng nhưng đây là các trường hợp không đúng theo đề án. Ảnh: Đinh Mười.

Một số lồng bè đóng mới có sử dựng ống nhựa HDPE của doanh nghiệp đang bị sụt, hỏng, độ nổi không cao, phao co móp… đại diện Chi cục Thủy sản cho biết quá trình đi kiểm tra thực tế, nội dung người dân phản ánh là đúng nhưng đây là các trường hợp không đúng theo đề án. Ảnh: Đinh Mười.

Mặt khác, việc cho phép mỗi bè chỉ có 16 ô lồng là đã có nghiên cứu, căn cứ vào sức tải môi trường, điều kiện thực tế  khu vực quy hoạch, nhu cầu nuôi lồng bè của người dân do UBND huyện Cát Hải tổng hợp... đơn vị tư vấn (Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản thuộc Bộ NN-PTNT) đánh giá, đề xuất đảm bảo hiệu quả kinh tế và sức tải môi trường, phát triển bền vững gắn với bảo vệ cảnh quan, du lịch.

Hiện tại quy định diện tích của nhà chòi theo Đề án là đảm bảo, với 24m2 nhà chòi đủ để phục vụ cho 2 công nhân trông coi, bè cá là nơi sản xuất, không phải là nơi lưu trú của hộ gia đình, không thể đưa cả gia đình ra đây ở như trước đây.

Với ý kiến cho rằng vị trí nuôi quá nông, ông Thịnh cho biết, hiện chưa có quy chuẩn kỹ thuật với nuôi lồng bè trên biển, hơn nữa, đây là hoạt động sắp xếp, bố trí lại nuôi lồng bè tại khu vực người dân đã, đang nuôi, không phải đưa đến một khu vực mới hoàn toàn chưa từng nuôi cá. Do vậy, ý kiến phản ánh về vị trí đặt lồng bè quá nông, không đảm bảo nuôi cá là chưa có cơ sở, Chi cục sẽ cùng đơn vị tư vấn đi kiểm tra rà soát theo phản ánh của người dân.

Vấn đề một số lồng bè đóng mới có sử dựng ống nhựa HDPE của doanh nghiệp đang bị sụt, hỏng, độ nổi không cao, phao co móp… đại diện Chi cục Thủy sản cho biết quá trình đi kiểm tra thực tế, nội dung người dân phản ánh là đúng.

Việc cho phép mỗi bè chỉ có 16 ô lồng là đã có nghiên cứu, căn cứ vào sức tải môi trường, điều kiện thực tế khu vực quy hoạch, nhu cầu nuôi lồng bè của người dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Việc cho phép mỗi bè chỉ có 16 ô lồng là đã có nghiên cứu, căn cứ vào sức tải môi trường, điều kiện thực tế khu vực quy hoạch, nhu cầu nuôi lồng bè của người dân. Ảnh: Đinh Tùng.

Tuy nhiên, đây là những lồng bè người dân tự thỏa thuận và đóng với doanh nghiệp, không đúng theo hướng dẫn Đề án. Trong trường hợp này, tùy theo thỏa thuận dân sự giữa 2 bên, nếu trách nhiệm thuộc bên doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải thực hiện các công việc đảm bảo quyền lợi cho người dân. Qua kiểm tra, các bè đã được cải tạo, nâng cấp và có thỏa thuận bảo hành với đơn vị cung cấp, thi công.

“Theo quy định, người dân tham gia nuôi thủy sản lồng bè trên biển phải đáp ứng được các tiêu chí như được giao khu vực biển, mẫu, chất liệu lồng bè phù hợp với hướng dẫn của Đề án. Bè theo đề án đã được chuyên gia bên đơn vị tư vấn tính toán độ nổi của phao đảm bảo về tải trọng phục vụ nuôi trồng thủy sản và được thiết kế dạng lắp ghép các đoạn phao nổi nên vấn đề sửa chữa thuận tiện theo từng khoang riêng, không có chuyện bục một chỗ sẽ chìm luôn cả bè”, ông Thịnh chia sẻ.

Lồng bè HDPE là xu thế

Theo Chi cục Thủy sản Hải Phòng, lồng bè HDPE được các tổ chức trong nước và quốc tế nghiên cứu, kiểm định đánh giá là phù hợp, an toàn cho nuôi biển, là xu hướng của nghề nuôi biển và đã có khuyến nghị hướng dẫn sử dụng lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản.

Trên thế giới, đa số các quốc gia phát triển về nuôi biển đều đã ứng dụng rất thành công phương pháp nuôi biển tiên tiến, bền vững này.

Nuôi trồng thủy sản truyền thống ở Cát Bà thời gian qua ảnh hưởng đến môi trường và phát triển du lịch. Ảnh: Đinh Tùng.

Nuôi trồng thủy sản truyền thống ở Cát Bà thời gian qua ảnh hưởng đến môi trường và phát triển du lịch. Ảnh: Đinh Tùng.

Tại Việt Nam, lồng bè HDPE đã được nghiên cứu phù hợp môi trường nước nuôi trồng thủy sản ngọt, mặn, lợ. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cả Việt Nam và quốc tế chứng minh được tính hiệu quả trong ứng dụng lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản.

Cát Bà là nơi có tiềm năng lớn để nuôi thủy sản lồng bè gắn với phát triển du lịch, bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế của ngư dân địa phương.

Nghề nuôi hải sản bằng lồng nổi trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà được hình thành từ những năm 1990 và liên tục phát triển.

Các hoạt động nuôi trồng thủy sản đã có những đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện Cát Hải, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống ngư dân trên đảo Cát Bà.

Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản khu vực này có những thời kỳ phát triển “nóng”, tự phát: quy mô nuôi quá lớn, vị trí nuôi thiếu thống nhất, kỹ thuật nuôi còn nhiều bất cập ảnh hưởng lớn đến môi trường.

Lồng bè HDPE đã được nghiên cứu phù hợp môi trường nước nuôi trồng thủy sản ngọt, mặn, lợ. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cả Việt Nam và quốc tế chứng minh được tính hiệu quả trong ứng dụng lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đinh Tùng.

Lồng bè HDPE đã được nghiên cứu phù hợp môi trường nước nuôi trồng thủy sản ngọt, mặn, lợ. Rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học cả Việt Nam và quốc tế chứng minh được tính hiệu quả trong ứng dụng lồng HDPE trong nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Đinh Tùng.

Mặt khác, chưa có sự gắn kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và liên kết với các ngành, lĩnh vực khác, nhất là đối với du lịch, chưa phát huy hết được những giá trị về lịch sử, vị trí địa lý, cảnh quan thiên nhiên và môi trường của huyện đảo Cát Bà.

Do vậy, đề án nuôi trồng thủy sản lồng bè trên vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, với mẫu thiết kế thống nhất, yêu cầu về xuất xứ chất liệu phao nổi đảm bảo (HDPE), yêu cầu nhà vệ sinh đảm bảo xử lý trước khi thải ra môi trường là cần thiết, nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tiềm năng, gắn kết và phối hợp hài hòa với hoạt động của các ngành kinh tế khác, bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.

“Lồng bè HDPE đã được nghiên cứu phù hợp môi trường nước nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nước mặn, nước lợ, nhiều công trình nghiên cứu khoa học cả Việt Nam và quốc tế chứng minh điều này. Các cơ sở nuôi trồng ở Cát Bà thực hiện chuyển đổi sang sử dụng vật liệu làm lồng, phao nổi bằng vật liệu HDPE sẽ đáp ứng phát triển bền vững, bảo tồn hệ sinh thái môi trường tự nhiên và cảnh quan du lịch.

Tuy nhiên, các hộ dân cần làm đúng theo hướng dẫn, đúng theo đề án mà thành phố đã duyệt, tránh tự ý cải hoán, làm mới không theo quy chuẩn sẽ không đảm bảo”, đại diện Chi cục Thủy sản Hải Phòng khuyến cáo.

Bình luận