Đánh thức tiềm năng du lịch nông nghiệp Tây Ninh

Bình luận · 243 Lượt xem

Tỉnh biên giới đang tập trung vào phát triển những mô hình du lịch nông nghiệp với các tiêu chí sạch, trải nghiệm và mang thương hiệu địa phương.

 

“Mỏ vàng” lộ thiên

Du lịch sinh thái không còn là loại hình du lịch mới lạ trên thế giới và Việt Nam. Theo Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO), hình thức du lịch nông nghiệp sinh thái chiếm khoảng 10%, liên tục tăng trưởng mạnh sau các năm. Việt Nam cũng nằm trong xu thế này, nhất là thời điểm sau đại dịch Covid-19, du khách có xu hướng đắm mình trong không gian yên tĩnh, trong lành của miền quê.

Tại Tây Ninh, năm 2022, lượng khách du lịch trên địa bàn tỉnh đạt trên 4,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 1.400 tỷ đồng. UBND tỉnh phấn đấu đón 5 triệu lượt khách du lịch trong năm 2023, doanh thu từ du lịch ước đạt 1.800 tỷ đồng.

Ngoài việc khám phá các địa điểm quen thuộc như Khu du lịch núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, Trung ương Cục miền Nam… nhiều du khách cũng hướng tới các sản phẩm du lịch cộng đồng, trải nghiệm các làng nghề truyền thống, những vườn cây ăn trái khi vào mùa thu hoạch. Đây được xem là “mỏ vàng” trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại Tây Ninh

Đoàn khách du lịch nông nghiệp gồm người dân địa phương và du khách nước ngoài tham quan và thưởng thức những nông sản sạch tại vườn dâu tằm Ba Phong (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Ảnh: Lê Bình.

Đoàn khách du lịch nông nghiệp gồm người dân địa phương và du khách nước ngoài tham quan và thưởng thức những nông sản sạch tại vườn dâu tằm Ba Phong (ấp Tân Lợi, xã Tân Hưng, huyện Tân Châu). Ảnh: Lê Bình.

Gia đình gồm 5 thành viên của anh Lại Huy Phúc (quận 10, TP.HCM) thường chọn cho mình những mô hình du lịch nông nghiệp tại Tây Ninh sau mỗi chuyến hành hương lên núi Bà Đen. Mỗi mô hình cho gia đình anh Phúc một trải nghiệm mới, ý nghĩa và đầy gắn kết.

“Nếu chỉ đến khấn Bà (chùa Bà Đen Tây Ninh - PV) thôi rồi về lại TP.HCM thì rất uổng công. Thay vào đó, mình sẽ tìm và kết hợp tham quan những vườn trái cây, mô hình làng nghề truyền thống tại Tây Ninh. Nó vừa là dịp để mình dạy các con các bài học về làm nông, vừa để chúng có những trải nghiệm thực tế bằng mọi giác quan”, anh Phúc chia sẻ.

Tại Tây Ninh, nghệ thuật chế biến món ăn chay, nghề làm muối ớt và nghề làm bánh tráng phơi sương Trảng Bàng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Năm 2022, tỉnh Tây Ninh đã đăng ký 7 mô hình tham gia chương trình phát triển du lịch nông thôn nhằm thúc đẩy mô hình này trở thành mũi nhọn không chỉ trong ngành du lịch mà còn về phát triển nông thông, xây dựng nông thôn mới.

Với lợi thế ở đây nằm trên trục đường 790 của tỉnh Tây Ninh và khu du lịch núi Bà Đen, mô hình du lịch Na Suối Đá của anh Trần Trung Kiên tại huyện Dương Minh Châu thu hút được khá nhiều khách tham quan mỗi tuần. Đến đây, du khách có thể trải nghiệm những hoạt động về thu hái mãng cầu (trái na) và ăn tại vườn hoặc mang về.

“Chúng tôi dự kiến sẽ kết hợp những anh em gần đây để mở rộng diện tích, đủ rộng và đủ sản phẩm để cung cấp cho khách hàng đến du lịch và cung cấp ra thị trường”, anh Trần Trung Kiên chia sẻ.

Đến với Tây Ninh, khách du lịch còn được đắm mình vào những thảm hoa tulip với đủ màu sắc quyến rũ. Ảnh: Trần Trung.

Đến với Tây Ninh, khách du lịch còn được đắm mình vào những thảm hoa tulip với đủ màu sắc quyến rũ. Ảnh: Trần Trung.

Khảo sát mới đây của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh cho thấy, khi du khách đã đến Tây Ninh, họ có nhu cầu trải nghiệm thưởng thức những sản phẩm du lịch khác của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, người dân địa phương cũng đã nhạy bén với vấn đề này, cung cấp những dịch vụ nông nghiệp bền vững để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Nhiều mô hình về du lịch sinh thái đã “rộ” lên từ 2 - 3 năm trở lại đây và hoạt động rất hiệu quả.

“Tây Ninh chúng tôi đang trồng cây dược liệu, tham quan vườn trồng hữu cơ và xưởng chế biến. Đó là trải nghiệm các quy trình sản xuất, người dân có thể tham quan và mua những sản phẩm đó về nhà. Nhiều mô hình đã làm rất tốt vấn đề đó. Hoặc các mô hình về trồng nho, dưa lưới hoặc là bò sữa cũng là tiềm năng trong tương lai”, ông Nguyễn Đình Xuân thông tin.

Hiện, tại tỉnh Tây Ninh, nhiều nơi như khu vực thị xã Trảng Bàng, xã Bàu Đồn (huyện Gò Dầu), các xã Trường Đông, Trường Hòa (thị xã Hòa Thành), khu vực ven hồ Dầu Tiếng (huyện Dương Minh Châu), các xã Tân Phong, Hòa Hiệp (huyện Tân Biên)… cũng có nhiều vườn cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt với quy mô lớn, đủ điều kiện để phát triển mô hình du lịch vườn.

Để không “đứt gánh giữa đường”

Tây Ninh là tỉnh có đa dạng các nghề truyền thống mang nét đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn và nhiều sản vật địa phương, tiêu biểu như mãng cầu, bánh tráng, muối tôm, ớt, ẩm thực chay... Đây chính là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Tuy nhiên, để du lịch nông nghiệp, nông thôn “cất cánh”, phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế thì cần có lộ trình với những định hướng, giải pháp hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, địa phương đang đi đúng hướng với xu thế hiện đại nhưng cần đi nhanh, bài bản hơn nữa. “Mặc dù thời gian qua trên địa bàn tỉnh có khá nhiều mô hình về du lịch sinh thái đã đi vào hoạt động nhưng hầu như mới chỉ phát triển ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát là chính, tính hệ thống và sự kết nối chưa cao”, ông Nguyễn Đình Xuân bày tỏ.

Tây Ninh dần xuất hiện những mô hình du lịch sinh thái mới, được khách du lịch ưa chuộng, thích thú. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh dần xuất hiện những mô hình du lịch sinh thái mới, được khách du lịch ưa chuộng, thích thú. Ảnh: Trần Trung.

Tây Ninh xác định du lịch sinh thái là hoạt động không chỉ làm thay đổi tập quán du lịch tại địa phương mà lợi ích kép còn giúp cho ngành nông nghiệp phát triển theo. Do đó, ngành Nông nghiệp tỉnh Tây Ninh đang kiến nghị xây dựng đề án cụ thể cho từng khu vực phát triển ngành du lịch nông thôn bản địa, cần đầu tư chuyển đổi số tại các mô hình du lịch, tăng cường năng lực kết nối cho nông dân phát triển du lịch nông thôn.

“Chúng ta cũng cần lưu ý rằng, khách du lịch đến trải nghiệm du lịch nông nghiệp cũng phải được tận hưởng những tiện ích như đô thị, đặc biệt là giao thông và các công trình phụ trợ. Ngoài ra, cần đảm bảo các vấn đề pháp lý khác như chuyển đổi đất đai, kinh doanh, an toàn thực phẩm...”, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết thêm.

Ngoài ra, các mô hình du lịch nông thôn chủ yếu được hình thành và phát triển bởi người dân địa phương nên kiến thức, kĩ năng du lịch chưa cao, còn mang tính tự phát. Đây cũng là một trong những trăn trở của địa phương. Sở NN-PTNT Tây Ninh cho biết sẽ có chương trình phối hợp cùng với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá các mô hình cũng như có các lớp ngắn hạn bổ túc kĩ năng làm du lịch, hướng dẫn viên cho các chủ vườn để tăng hiệu quả.

Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn các hộ nông dân, nhất là những hộ có hướng phát triển du lịch sinh thái nâng cao kĩ thuật canh tác, nghiệp vụ trồng trọt theo hướng hữu cơ, bền vững.

“Chúng tôi thường xuyên tổ chức tham quan, học hỏi kinh nghiệm những mô hình nông nghiệp hữu cơ để bà con trao đổi kinh nghiệm, cũng như tìm hướng đi phù hợp cho bản thân. Trung tâm Khuyến nông định hướng các HTX, địa phương phát triển du lịch sinh thái gắn liền với các sản phẩm OCOP. Đây được coi là tiếp thị về chính sản phẩm của mỗi địa phương đã dày công xây dựng thương hiệu”, ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh cho biết.

Bình luận