Giảm hàng ngàn tấn rác thải nhựa nông nghiệp nhờ nhiều mô hình hay

Bình luận · 234 Lượt xem

Nhiều mô hình thu gom trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đã và đang được áp dụng giúp giảm đáng kể lượng rác thải nhựa trong hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Hàng ngàn tấn rác thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp

Ngày 31/5, Bộ NN-PTNT phối hợp cùng Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp”.

Hội thảo nhằm thúc đẩy các giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp, tập trung vào mô hình thí điểm đã và đang triển khai thực tiễn, giải quyết được vấn đề của địa phương trong cả 3 lĩnh vực gồm trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Đây là một trong hoạt động của ngành NN-PTNT hưởng ứng  kỷ niệm 45 năm ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.

Hội thảo 'Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp' nhằm thúc đẩy các giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp. 

Hội thảo “Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp: Thực trạng và giải pháp” nhằm thúc đẩy các giải pháp hiệu quả trong giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp. 

Ngành NN-PTNT là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD với tăng trưởng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần thiết yếu trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và trong khu vực, ổn định đời sống và an sinh xã hội.

Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành. Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia năm 2021, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật); từ chăn nuôi là 67.93 triệu tấn (gồm 77 nghìn tấn chất thải nhựa vỏ bao bì thức ăn); từ thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.

Báo cáo kết quả nghiên cứu chất thải nhựa do Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản thực hiện cho biết, trong các loại rác thải nhựa thải bỏ ra môi trường từ các tàu cá, rác thải nhựa sinh hoạt chiếm tỷ lệ hơn 87,7%, tương đương 7,6 tấn/năm. Nguồn thải này do ý thức và thói quen của chủ tàu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: “Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống, đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Các mô hình quản lý chất thải nhựa nông nghiệp tại các tỉnh ven biển

Hội thảo giới thiệu một số các giải pháp thiết thực và hiệu quả đã và đang triển khai tại nhiều địa phương, giúp giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế chất thải trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Ông Mai Thanh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Bình cho biết, bình quân mỗi ha trồng lúa hiện nay nông dân xả thải ra môi trường khoảng 1kg vỏ bao bì thuốc BVTV/vụ, còn đối với rau màu, cây công nghiệp thì việc sử dụng thuốc BVTV cao hơn, gấp 2 - 3 lần trồng lúa; với diện tích khoảng 150.000 ha/năm trồng lúa và gần 75.000 ha/năm rau màu, ước tính lượng bao gói thuốc BVTV đã qua sử dụng tại Thái Bình lên tới con số hàng trăm tấn.

Nhặt rác nhựa làm sạch san hô ở biển Phú Quốc.

Nhặt rác nhựa làm sạch san hô ở biển Phú Quốc.

Để giảm thiểu chất thải nhựa ra ngoài môi trường, tỉnh đã thực hiện và nhân rộng Mô hình “Cánh đồng sạch - thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật” ở hầu hết các xã, thị trấn với tổng số hơn 4.500 bể chứa bao bì thuốc BVTV được xây dựng và đưa vào hoạt động trên các cánh đồng nhằm phân loại rác thải nhựa tại nguồn và thu gom, xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, tỉnh cũng thí điểm Mô hình quản lý chất thải nhựa phát sinh trong sản xuất nông nghiệp trên diện tích 10,25ha trồng lúa, khoai lang, ớt... tại xã Phú Lương, huyện Đông Hưng.

Tại tỉnh Quảng Ninh, ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh cho biết, tỉnh áp dụng mô hình chuyển đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang vật liệu nổi theo quy chuẩn QCĐP 08:2020/QN giúp thay thế dần vật liệu nhựa dùng một lần, khó thu gom và tái sử dụng bằng vật liệu đã tái chế, thân thiện với môi trường.

Trong đó có mô hình thu gom rác thải nhựa trên tàu cá, kết nối với Cơ sở thu hồi vật liệu tại Quy Nhơn (Bình Định), thuộc Pha 2 Dự án “Nhân rộng mô hình cộng đồng quản lý chất thải sinh hoạt và nhựa tại 5 thành phố” tài trợ bởi UNDP Việt Nam và Đại sứ quán Nauy tại Việt Nam. Mô hình giúp tận dụng lực lượng ngư dân thành thành viên trong tổ thu góm rác trên biển, giảm thiểu lượng chất thải nhựa trôi nổi, đem lại thu nhập cũng như gia tăng giá trị kinh tế cho nguồn chất thải có thể tái chế.

Tính đến ngày 30/4/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện chuyển đổi từ phao xốp sang phao nhựa theo quy chuẩn là 2.177.525/2.408.327, đạt tỷ lệ 90,4% (số liệu chỉ tính các cơ sở nuôi biển trong quy hoạch). Các địa phương đang tích cực vận động người dân chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn và huy động nhân lực tham gia cắt bỏ phao xốp, thu gom đưa lên bờ xử lý theo quy định.

Vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: PC.

Vùng nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Ảnh: PC.

Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam Ramla Khalidi khuyến nghị, cần đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, cần xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp. Đại diện UNDP Việt Nam cũng cho rằng việc thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng là điều cần thiết. Cuối cùng là tập huấn người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa, cũng như sự sẵn có của các giải pháp thay thế.

Bình luận