Thủy lợi - xung lực phát triển kinh tế [Bài 1]: Cánh đồng 'nhân ba' nhờ hồ Gia Măng

Bình luận · 248 Lượt xem

ĐỒNG NAI Từ khi đi vào hoạt động, hồ Gia Măng cung cấp nước tưới cho hàng trăm ha cây trồng tại huyện Xuân Lộc, giúp nông dân làm giàu.

Nước về tới đâu thâm canh tăng vụ tới đó

Xuân Hiệp, Lang Minh, Xuân Tâm là những vùng đất nông nghiệp màu mỡ của huyện miền núi Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, thích hợp để triển khai các mô hình kinh tế nông nghiệp có hiệu quả cao. Tuy nhiên, vì thiếu nước tưới, việc canh tác của nông dân gặp nhiều khó khăn do phải phụ thuộc vào nước trời hoặc giếng khoan.

Trước tình hình trên, năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai đã khởi công xây dựng công trình hồ chứa nước Gia Măng nhằm cung cấp nước tưới cho gần 600ha cây trồng tại đây. Sau 7 năm triển khai, đến nay, công trình này đã hoàn tất các hạng mục xây dựng, các tuyến kênh chính cơ bản đáp ứng 50% khu tưới. Hiện các kênh nhánh vẫn đang tiếp tục được triển khai xây dựng để phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Hồ chứa nước Gia Măng đang đảm bảo tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Lê Bình.

Hồ chứa nước Gia Măng đang đảm bảo tưới tiêu cho hàng trăm ha cây trồng tại huyện Xuân Lộc. Ảnh: Lê Bình.

Ông Phan Văn Thắng, cán bộ kỹ thuật của Trạm khai thác công trình thủy lợi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ, trực tiếp quản lý điều hành công trình hồ chứa nước Gia Măng chia sẻ: Trước khi hồ Gia Măng được đưa vào sử dụng thì người dân ở trên địa bàn ba xã thiếu nước để phục vụ sản xuất. Sau khi hồ hoạt động, thông qua hồ và các kênh tưới đã giữ được mạch nước ngầm, dẫn nước đến tận ruộng, cơ bản giải quyết được bài toán thiếu nước sản xuất cho bà con.

“Để khai thác nước hiệu quả, trước khi vào vụ chúng tôi ký kết với các xã về diện tích có nhu cầu rồi lên kế hoạch tưới cụ thể cho từng khu vực, từng khu tưới, từng loại cây trồng cần tưới.

Sau khi lập lịch tưới, chúng tôi phối hợp với tổ hợp tác cấp nước cho bà con kịp thời. Trong quá cấp nước nếu phát sinh vấn đề, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh phương án vận hành hồ chứa cho phù hợp. Hiện tại, chúng tôi có ba tổ hợp tác lấy nước chia đều cho ba xã Xuân Tâm, Xuân Hiệp, Lang Minh và đang hoạt động rất hiệu quả”, ông Phan Văn Thắng nhấn mạnh.

Ghi nhận tại cánh đồng xã Lang Minh, trước đây cánh đồng chỉ sản xuất lúa vụ mùa, năng suất bấp bênh, cao lắm cũng chỉ 4 tấn/ha. Từ khi có kênh dẫn nước hồ Gia Măng về, người dân chủ động nước tưới, đã cơ cấu lại mùa vụ, đưa ngô vào trồng vụ đông xuân. Vậy là cũng cánh đồng ấy nhưng diện tích canh tác đã nhân ba, sản lượng hàng hóa cũng tăng tương ứng.

Ông Đoàn Văn Năm, Tổ trưởng Tổ thủy nông ấp Tây Minh, xã Lang Minh cho biết, ngô là cây “xóa nghèo”, được xem là cây trồng chính nên cấp trên luôn chỉ đạo phải đảm bảo đủ nước tưới tiêu trên đồng ruộng, đồng thời ưu tiên đặc biệt cho vùng trồng ngô. Chính vì vậy, những năm gần đây mùa ngô thường thắng lợi, nhiều giống mới cho năng suất cao, tăng lợi nhuận gấp mấy lần so với trồng lúa khiến bà con phấn khởi lắm.

Ở các xã khác như Xuân Hiệp, Xuân Tâm nước về tới đâu thì thâm canh tăng vụ tới đó, hình thành nhiều cánh đồng lúa ba vụ, một số hộ khác chuyển đổi từ các cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp như điều sang cây ăn quả và rau màu đem lại thu nhập cao.

Ông Nguyễn Văn Tây (ấp Tam Hiệp, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) có hơn 2 ha đất, trước đây khu vực này rất khó khăn về nguồn nước. Nếu hộ nào có giếng khoan thì cũng bị nhiễm phèn nặng, bơm tưới cây cũng không thể phát triển được.

Do vậy, cả cánh đồng rộng lớn này bà con chỉ canh tác được 1 vụ lúa, các mùa còn lại để cỏ mọc chăn thả gia súc. Hiện, nhờ có nước ông Tây đã chuyển 1/5 diện tích sang trồng rau màu, trong đó chủ yếu là rau xà lách. Nhờ nước dẫn tới tận ruộng, mỗi ngày 2.000 m2 rau xà lách đem lại cho gia đình ông thu nhập hơn 400.000 đồng sau khi trừ chi phí.

Bản đồ quy hoạch tổng thể hồ chứa nước Gia Măng cùng hệ thống kênh mương phân cấp tới nội đồng. Ảnh: Trần Trung

Bản đồ quy hoạch tổng thể hồ chứa nước Gia Măng cùng hệ thống kênh mương phân cấp tới nội đồng. Ảnh: Trần Trung

“Trước kia gia đình canh tác bưởi, tuy nhiên, chủ yếu lấy nước từ giếng khoan, mùa nắng nước hay bị thiếu hụt khiến hiệu quả kinh tế không cao, nay nước đã dẫn tới tận ruộng, nhờ sử dụng phương pháp lấy nước theo hình thức tự chảy, mỗi tháng tôi tiết kiệm hơn 200.000 đồng tiền điện, nguồn nước lại rất sạch và ổn định”, ông Tây phấn khởi nói.

Ông Phan Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tâm cũng cho hay, khi đi vào hoạt động, hồ chứa nước Gia Măng sẽ cung cấp nước tưới cho khoảng 50ha cây ăn quả tại khu vực ấp 6, đặc biệt là tại HTX Cây ăn quả Đồng Tiến. Theo đó, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân chuyển đổi canh tác từ cây điều, cây tràm lai sang các loại cây ăn quả cho thu nhập cao hơn.

Phục vụ đa mục tiêu

Anh Phạm Quang Trung, Phó trưởng Trạm khai thác công trình thủy lợi Xuân Lộc - Long Khánh - Cẩm Mỹ cho biết thêm, Trạm được giao quản lý, vận hành các hồ chứa trên địa bàn huyện Xuân Lộc, Long Khánh, Cẩm Mỹ mà trực tiếp là hồ thủy lợi Gia Măng.

Hồ được đầu tư với tổng kinh phí đầu tư khoảng 350 tỷ đồng. Theo thiết kế, hồ có dung tích trữ khoảng 4 triệu m3 nước. Trong đó, diện tích vùng ngập khoảng 160ha, thuộc địa bàn 2 xã Xuân Hiệp và Xuân Tâm.

Hồ được khánh thành vào năm 2019 và chính thức đi vào vận hành từ năm 2020 tới nay, từ khi hồ tích nước phục vụ tưới đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp của địa phương. Theo thiết kế, năng lực tưới của hồ là 590ha. Tuy nhiên, theo kết quả ghi nhận từ ba năm đưa vào sử dụng, hiện hồ chỉ phục vụ được khoảng 273 ha cho cây lúa, cây bắp, cây màu và các loại cây ăn quả.

“Nguyên nhân công trình chưa phục vụ hết năng lực thiết kế là do hệ thống kênh mương nội đồng chưa hoàn chỉnh (hiện đang tiếp tục đầu tư xây dựng). Thứ hai, trong thời gian chờ đợi hồ được xây dựng thì bà con trong vùng đã chuyển đổi sang các loại cây trồng ít cần nước, nhu cầu phục vụ nước thay đổi…”, anh Phạm Quang Trung chia sẻ.

Cũng theo anh Trung, chủ trương của Chính phủ định hướng hồ thủy lợi không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp mà theo hướng đa mục tiêu, hồ Gia Măng cũng không ngoại lệ. Để khai thác tổng hợp, đơn vị đang xây dựng kế hoạch vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, vừa phát triển du lịch, cho thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt.

Theo đó, đối với cấp nước sinh hoạt, do tiêu chí sử dụng nước sạch tại huyện Xuân Lộc còn thấp, để đáp ứng được tiêu chí về nông thôn mới, địa phương đang phối hợp công ty xây dựng nhà máy nước cạnh hồ Gia Măng với công suất 5.000 m3/ngày đêm.

Nhờ nước kênh về tới nội đồng, vườn rau của anh Nguyễn Văn Tây luôn xanh tốt, giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ nước kênh về tới nội đồng, vườn rau của anh Nguyễn Văn Tây luôn xanh tốt, giảm chi phí sản xuất. Ảnh: Lê Bình.

"Đối với thủy sản, chúng tôi đã cho một HTX phối hợp với một doanh nghiệp thuê mặt nước để nuôi trồng thủy sản và phương thức là nuôi cá thả cho ăn tự nhiên, đánh bắt bằng đăng đó theo mùa, theo vụ.

Từ ngày hồ chứa nước được vận hành khai thác đã giúp nâng cao đời sống kinh tế của người dân...”, anh Phạm Quang Trung khẳng định.

Bình luận