Hai loại bệnh 'sát thủ' với thú cưng

Bình luận · 224 Lượt xem

Nuôi thú cưng và dịch vụ đi kèm nhiều năm trở lại đây rất phát triển, nhưng cũng nhiều người trả giá vì không tiêm phòng vacxin dịch bệnh đầy đủ.

.

Philippines khuyến cáo sử dụng vacxin dịch tả lợn Châu Phi của Việt Nam

Hà Tĩnh chủ quan, lơ là trong tiêm phòng đàn vật nuôi

Cần bao phủ vacxin phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò.

 

Xu hướng thịnh hành

Ở Việt Nam, số lượng người nuôi thú cưng đang không ngừng gia tăng, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ,…

 

Nhiều người nuôi còn coi thú cưng như thành viên trong gia đình, kéo theo dịch vụ khám chữa bệnh cho thú cưng đang trở thành ngành có tốc độ phát triển nhanh những năm gần đây.

 

Thực tế, nuôi thú cưng và các dịch vụ đi kèm là nghề có thể kiếm được tiền, mang lại cuộc sống tốt cho gia đình và đóng góp cho xã hội, tuy nhiên điều khiến người nuôi lo lắng nhất là dịch bệnh, đặc biệt là các dịch bệnh có thể khiến thú cưng chết hàng loạt.

 

Anh Vũ Đại Dương, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội chia sẻ, gia đình anh làm nghề nuôi, buôn bán giống chó Rottweiler đã gần 11 năm. Giống chó được nhập từ các nước châu Âu khác nhau như Đức, Serbia, Croatia,… rồi tự cho sinh sản.

 

Trung bình mỗi năm, gia đình anh Dương cho sinh sản và bán ra thị trường khoảng 50 con giống với giá từ 8 - 16 triệu đồng, thu về gần 1 tỷ đồng riêng tiền bán chó con. Quá trình nuôi dù rất quan tâm đến phòng dịch bệnh nhưng đôi lúc gia đình anh cũng phải trả giá khi chó bị mắc bệnh và chết đáng tiếc.

 

Theo anh Dương, các vấn đề về sức khỏe giống chó này thường gặp phải là bệnh dị ứng do ăn phải những thức ăn lạ, không đảm bảo vệ sinh hoặc dùng thuốc quá liều, bệnh xoắn dạ dày chướng hơi do ăn không điều độ, ăn quá no, chứng loạn sản xương hông, u xương ác tính.

 

Ngoài ra, chúng còn dễ mắc các căn bệnh liên quan đến di truyền và huyết thống, dễ ngáy, hay bội thực bệnh quặm mắt. Do đó, cần theo dõi và quan sát đàn chó để có thể phòng ngừa và chữa trị kịp thời. Với chó con, cần được tiêm vacxin phòng 5 bệnh và 7 bệnh đầy đủ rồi mới bán ra thị trường.

 

“Chó Rottweiler có cơ thể khỏe mạnh và sức chinh chiến mãnh liệt. Tuy nhiên, bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. Người nuôi cần tìm hiểu thông tin về những loại bệnh chúng thường mắc phải để tìm ra cách phòng, tránh giúp chúng phát triển toàn diện. Đặc biệt, phải đưa chúng đi tiêm vacxin định kỳ để phòng ngừa bệnh dại và cần cho chó đi thăm khám bác sĩ thú y ngay nếu có dấu hiệu mắc bệnh”, anh Dương chia sẻ.

 

Cũng là người nuôi chó cảnh sinh sản và có nhiều năm kinh doanh thức ăn cũng như đồ chơi thú cưng, anh Vũ Văn Lai, trú tại quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng cho biết, gia đình anh đã kiếm được nhiều tỷ đồng hàng năm từ lĩnh vực này.

 

So với chó ta, các loại chó cảnh cần lưu ý nhiều hơn, vì giống nhập ngoại nên hay bị tác động bởi yếu tố môi trường khiến đàn chó con hay ốm yếu, mắc bệnh tật. Theo quy định của nhà sản xuất thuốc, từ đầu tuần thứ 6 trở đi chó sẽ được tiêm vacxin, trong vacxin phòng ngừa được 5 - 7 bệnh, trong đó có 2 bệnh quan trọng, dễ làm chó chết là bệnh Parvo và Care.

 

Bệnh Parvo do Parvovirus gây ra, đây là bệnh cực kỳ nguy hiểm, đặc biệt với các chú chó con, chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh lây lan nhanh chóng và có thể gây chết với tỷ lệ từ 80-100% nếu không điều trị kịp thời.

 

Để phòng bệnh, cần chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, thường xuyên vệ sinh tiêu độc chuồng trại và môi trường xung quanh, với những con chó ốm cần phải được cách ly, không được tiếp xúc với những con chó khỏe mạnh.

 

Với bệnh Care, đây là một loại virus có khả năng lây nhiễm thông qua đường hô hấp, tiêu hóa. Bệnh có tính truyền nhiễm cao, có tính toàn cầu. Chó ở mọi loài, mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm bệnh và lây nhiễm. Đây là một căn bệnh thường gặp nhất trên cún đặc biệt là những chú cún từ 3 - 6 tháng tuổi, hiện nay vẫn chưa có thuốc nào điều trị. Việc phòng bệnh phụ thuộc chủ yếu ở ý thức phòng bệnh của người nuôi.

 

Thú cưng mắc bệnh này có các biến chứng như viêm phế quản, viêm phổi, viêm ruột cata, viêm não,… Thời gian nung bệnh khoảng 4 - 5 ngày, dao động từ 2 - 3 ngày, đến 2 tuần. Chó phát bệnh thường chết ở tỉ lệ rất cao nếu không sớm điều trị. Bệnh phát thường đi đôi với tuổi đời của chó, trường hợp phát bệnh care nếu được chữa khỏi có thể có kháng thể suốt vòng đời.

 

“Ngoài không gian nuôi thoáng mát, chế độ ăn phù hợp và tiêm vắc xin đầy đủ, người nuôi cần phải định kì đến phòng khám kiểm tra, xét nghiệm để nắm bắt được tình hinh sức khỏe của thú cưng và phát hiện bệnh sớm, ngay cả khi đang ủ bệnh”, anh Lai chia sẻ.

 

Tiêm vacxin là giải pháp tối ưu

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng, hiện có nhiều bệnh trên chó mèo, đặc biệt bệnh truyền nhiễm trên chó mèo phổ biến ở nước ta nhất là miền Bắc do khí hậu nóng ẩm, mầm bệnh dễ sinh sôi. Các bệnh phổ biến thường gặp trên chó là: bệnh Dại, bệnh Care, Parvovisus, bệnh viêm gan truyền nhiễm, bệnh Lepto, bệnh ho cũi chó, bệnh phó cúm, bệnh ghẻ,….

 

Tùy sự thay đổi của thời tiết mà mỗi mùa, mỗi lứa tuổi, chó mèo thường mắc các bệnh khác nhau. Vào mùa xuân, hè, trời nắng, nóng, chó mèo thường dễ nhiễm bệnh dại, bệnh trên da, cảm nắng, cảm nóng,… Vào mùa thu, đông, giai đoạn chuyển mùa, thời tiết lồm ẩm, chó mèo dễ nhiễm các bệnh truyền nhiễm như Care, Parvo, viêm phế quản viêm phổi truyền nhiễm, viêm gan truyền nhiễm, Lepto, phó cúm…

 

Tại khu vực nội thành, chó mèo nuôi chủ yếu làm thú cưng, được chủ nuôi coi như thành viên trong nhà, được quan tâm, chăm sóc và sử dụng các dịch vụ thú cưng. Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều chủ nuôi thú cưng chủ quan khi cho rằng thú cưng được nuôi từ nhỏ nên không nguy hiểm, không cần tiêm phòng, thậm chí còn ngủ chung với chó mèo.

 

Đây là những suy nghĩ sai, thiếu căn cứ, do vậy, ngoài việc tiêm phòng vacxin dại cho chó mèo, cần tiêm phòng các loại vacxin phòng các bệnh khác, chủ yếu là vacxin 4 bệnh ở mèo cũng như vacxin 5 - 7 bệnh trên chó.

 

Ngoài ra phải tuân thủ nguyên tắc phòng, chống bệnh trên chó, mèo như giữ môi trường sống của thú cưng luôn sạch sẽ, giảm thiểu các tác nhân tác nhân gây stress, môi trường quá nóng hoặc quá lạnh, bụi nhiều, mùi hôi, ồn ào.

 

Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần lưu ý chế độ ăn uống khoa học, tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, lựa chọn bệnh viện thú y uy tín để chăm sóc thú cưng. Cần chuẩn bị thảm, ổ đệm trước khi đi khám bệnh cho thú cưng và không để thú cưng tiếp xúc với các con vật khác để tránh nhiễm bệnh hoặc bị thương.

 

"Để phòng bệnh hiệu quả trên chó, mèo, người nuôi cần tiêm vacxin phòng bệnh cho chó mèo khi chó mèo từ 2 tháng tuổi trở lên, tiêm nhắc lại sau 21 ngày và hàng năm để đảm bảo chó mèo có lượng kháng thể đủ để phòng bệnh. Đây là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh.

 

Bên cạnh đó, người nuôi cũng cần chăm sóc, nâng cao sức đề kháng cho chó mèo, đặc biệt khi thời tiết thay đổi và cần vệ sinh môi trường, đảm bảo môi trường sạch sẽ, giảm thiểu tác nhân gây strees và ô nhiễm", ông Bùi Văn Luyện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng khuyến cáo.

 

Theo số liệu thống kê tháng 2/2023, tổng đàn chó của Hải Phòng trên 101.000 con. Tính đến 18/8/2023, số lượng chó mèo được tiêm phòng vắc xin dại trên 72.100 liều, dạt 71% so với tổng đàn. Việc phòng chống bệnh dại được truyên truyền trên các phương tiện truyền thông của địa phương, tại các trường học. Để đảm bảo chó mèo được chăm sóc và phòng bệnh, nhất là bệnh Dại, chủ nuôi chó mèo cần thực hiện các quy định về quản lý chó mèo theo khoản 2.1 của Thông tư 07/2016 của Bộ NN-PTNT.

Bình luận