Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát và mối duyên với bà Bùi Thị Nga, được kể lại trân trọng trong chuyên mục ‘Chuyện tình khó q

Bình luận · 239 Lượt xem

Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát là một chính khách tên tuổi của Việt Nam. Ông từng đảm trách các chức vụ như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Ch?

 

'Chuyện tình khó quên' của một thời say mê ca bình minh

'Chuyện tình khó quên' ở một gia đình trí thức thành đạt

Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát là một chính khách tên tuổi của Việt Nam. Ông từng đảm trách các chức vụ như Chủ tịch Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Tuy nhiên, vượt lên trên hết, nhà cách mạng Huỳnh Tất Phát là một trí thức mẫu mực, dám từ bỏ sự nghiệp riêng để đóng góp cho sự nghiệp chung.

 

Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 trong một gia đình công chức tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Sau khi học xong trung học ở trường Petrus Ký – Sài Gòn, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội và tốt nghiệp thủ khoa năm 1938.

 

Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng Kiến trúc sư đầu tiên của người Việt Nam ở địa chỉ 70 đường Mayer (bây giờ là đường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM). Không chỉ cạnh tranh với những văn phòng kiến trúc sư của người Pháp một cách sòng phẳng về giá cả và chất lượng công trình, Huỳnh Tấn Phát còn đánh bại những kiến trúc sư người Pháp kiêu hãnh để giành giải nhất cuộc thi thiết kế Hội chợ triển lãm Đông Dương trong khuôn viên Tao Đàn.

 

Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996 vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực kiến trúc. Nhiều công trình kiến trúc của Huỳnh Tấn Phát vẫn được truyền tụng về giá trị thẩm mỹ như Sân bay Nội Bài, Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà hát Hoà Bình – TP.HCM… Đặc biệt, có những ngôi biệt thự rất đẹp ở Sài Gòn từng được Huỳnh Tấn Phát thiết kế khi mở văn phòng kiến trúc sư ở Sài Gòn đầu thập niên 40 của thế kỷ trước, đến hôm nay vẫn tồn tại khiến bao người trầm trồ chiêm ngưỡng.

 

Thế nhưng, cả đời Huỳnh Tấn Phát không xây dựng căn nhà nào cho ông và gia đình. Ngày 30/9/1989, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát khép lại 76 năm sống trên dương gian, cống hiến trọn vẹn và trong sáng cho Tổ quốc. Người cùng thời với nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát là nhà báo Thép Mới, đã nhận định rằng: “Cái cách Huỳnh Tấn Phát quan hệ, ứng xử với các bạn trí thức, đến với cách mạng cũng có những nét riêng. Anh không hùng biện, không sắc cạnh, không bắt ai phục mình. Ánh sáng là ánh sáng chung của cuộc đời. Tự anh không phát sáng. Nhưng anh biết làm cho than hồng nhen thành lửa ngọn. Anh thuyết phục họ bằng chính con người anh”.

 

Trong chiến tranh, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát phải nuốt nước mắt nén nỗi đau một người cha, khi đứa con gái Huỳnh Lan Khanh hy sinh lúc mới 19 tuổi ở Tân Biên – Tây Ninh vào năm 1968. Trong hòa bình, nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát chấp nhận cảnh vợ chồng cách xa hai đầu công tác, khi ông làm lãnh đạo cấp cao ở Hà Nội, còn bà làm Chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM một thời gian dài.

 

Sự nghiệp cách mạng của Huỳnh Tấn Phát bắt đầu khi ông quyết định đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom góp hết số tiền dành dụm để mở tờ báo Thanh Niên, đặt trụ sở tại số 9 đường Lucien Lacouture (nay là đường Nam Quốc Cang, quận 1, TP.HCM) nhằm tạo diễn đàn tập hợp trí thức yêu nước.

 

Còn “chuyện tình khó quên” của Huỳnh Tấn Phát và Bùi Thị Nga bắt đầu khi hai người gặp nhau tại Đà Lạt mùa hè năm 1943. Huỳnh Tấn Phát lúc ấy 30 tuổi và Bùi Thị Nga lúc ấy 20 tuổi.

 

Ấn tượng ban đầu của Huỳnh Tấn Phát đối với Bùi Thị Nga là hình ảnh một gã trai cao ráo, mặc bộ tussor trắng và cổ choàng khăn trắng, Tuy nhiên dáng điệu rất hợp thời trang của Huỳnh Tấn Phát không tạo cho Bùi Thị Nga cảm xúc sâu đậm bằng đôi mắt sáng đôn hậu dưới cặp chân mày rậm của ông. 

 

Trong hồi ký của mình, đề cập đến “chuyện tình khó quên” của họ, bà Bùi Thị Nga kể lại: “Ngày 15/6/1945, chúng tôi đám cưới. Buổi sáng, đàng trai bưng qua mấy quả trầu cau, rượu bánh, trái cây, còn đàng gái chỉ có mỗi mình tôi đón khách, vì đến trưa mẹ và hai em tôi mới mướn được xe thổ mộ từ vùng ngoại ô vào trung tâm Sài Gòn cùng với mấy nồi thức ăn nấu sẵn. 5 giờ chiều, tôi về nhà chồng trên chiếc xe du lịch sơn đen, không trang trí gì cho ra vẻ một dịp đại hỉ. Lúc đứng thắp hương lên bàn thờ tổ tiên, tôi đã tủi thân và bật khóc”.

 

Nhân không khí cả nước tưng bừng lễ Quốc khánh, chuyên mục “Chuyện tình khó quên” trên Nông Nghiệp Radio giới thiệu câu chuyện “Nhà cách mạng Huỳnh Tấn Phát và đám cưới không có đêm tân hôn” lúc 20h tối nay 2/9, để công chúng hôm nay hiểu rõ hơn một thế hệ đã biết hy sinh hạnh phúc cá nhân cho ngày mai dân tộc.   

Bình luận