Những bài thuốc dân gian hay từ cây bạc hà

Bình luận · 226 Lượt xem

Bạc hà có mùi thơm, vị cay, tính mát, không độc vào 2 kinh phế và can. Toàn cây bạc hà là vị thuốc giải cảm hạ sốt rất phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian...

 

Bạc hà là cây gia vị rất quen thuộc trong nhân dân. Bạc hà có chứa tinh dầu, các monoterpenoid, sesquiterpenoid và alkane, các hợp chất đắng... Tinh dầu bạc hà được dùng rộng rãi trong các chế phẩm dược dụng hiện đại, do mùi thơm và tính dễ khuếch tán bay hơi và có nhiều tác dụng trị liệu.

 

Hiện nay ở nước ta có 2 loại cây bạc hà: Loại một có tên khoa học là Mentha arvensis L. mọc hoang rất nhiều. Loại hai có tên khoa học là Mentha piperi- ta L. di thực từ Pháp, Đức, Nga. Cây bạc hà (mentha arvensis) còn gọi là bạc hà nam, loại cỏ sông lâu năm, cao từ 10-60cm, thân vuông, mọc đứng hoặc bò, trên thân có nhiều lông, lá mọc đối, cuống dài từ 2-10mm, lá hình trứng hay thon dài rộng 2-3cm, mép có răng cưa. Hoa mọc vòng ở kẽ lá, màu tím hay hồng nhạt, có khi màu trắng.

 

Bạc hà có mùi thơm, vị cay, tính mát, không độc vào 2 kinh phế và can. Toàn cây bạc hà là vị thuốc giải cảm hạ sốt rất phổ biến trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian. Bạc hà vị cay, tính mát, vào tâm phế tác dụng sơ tán phong nhiệt, giải độc thấu ban. Dùng cho các trường hợp cảm mạo phong nhiệt, đau đầu viêm kết mạc mắt, viêm mũi ngạt mũi, đau sưng họng, đậu sởi, mề đay, ban chẩn.

 

Bạc hà hỗ trợ tiêu hóa: Với khả năng tăng cảm giác ngon miệng cũng như kích thích tiêu hóa. Khi bạn gặp phải vấn đề liên quan đến rối loạn tiêu hóa, bạn có thể dùng bạc hà như một liệu pháp tự nhiên để giảm các triệu chứng khó chịu về tiêu hóa.

 

Bạc hà tốt cho dạ dày: Bạc hà được xem là thuốc của dạ dày, có thể giải quyết các vấn đề như hội chứng ruột kích thích, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón. Chúng ta có thể dễ dàng sử dụng trà bạc hà vì nó không chứa đường như kẹo bạc hà (có thể tăng kích thích dạ dày).

 

Bạc hà thanh lọc phổi: Ngoài tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, bạc hà còn có tác dụng thanh lọc và làm sạch lá phổi của bạn. Do đó, khi họng hoặc mũi của bạn bị sung huyết, bạn hãy thử với vài lá bạc hà, tình trạng sẽ khá hơn trông thấy.

 

Bạc hà tăng cường sức khỏe răng miệng: Lá bạc hà có công dụng chữa chứng hôi miệng nên được nhiều người sử dụng như một phương thức hữu hiệu để chăm sóc sức khỏe răng miệng.

 

Trị chảy máu cam: Giã nước bạc hà, nhỏ vào mũi. Hoặc dùng bạc hà khô nấu nước đặc thấm bông cho vào mũi.

 

Trị cảm mạo, nhức đầu: Lá bạc hà 6g, kinh giới 6g, phòng phong 5g, bạch chỉ 4g, hành hoa 6g. Nước sôi 150ml, đổ vào hãm 20 phút, uống lúc nóng. Đắp chăn cho ra mồ hôi người nhẹ sẽ khỏi.

 

Trị ong đốt, bọ cạp cắn: Dùng bột bạc hà dán vào nơi đốt.

 

Trừ phong, giảm đau: bạc hà 4g, cát cánh 8g, kinh giới 12g, phòng phong 8g, cương tằm 12g, cam thảo 8g. Sắc uống. Trường hợp phong nhiệt sinh ra đau đầu, đỏ mắt, yết hầu sưng đau..

 

Bạc hà cúc hoa trà: bạc hà 6g, cúc hoa 10g, cát cánh 10g, sơn tra 10g, mật ong lượng thích hợp. Cho nước sôi pha hãm, uống thay chè. Mỗi ngày 1 - 2 lần. Dùng cho các trường hợp nổi ban dị ứng.

 

Kiêng kỵ: người khí hư, huyết táo, can dương hơi lên, biểu hư tự ra mồ hôi đều không nên dùng. Trong thời gian uống thuốc kiêng ăn cua và cá.

 

 

Bình luận