Nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn xuất khẩu

Bình luận · 715 Lượt xem

Thành phố Cần Thơ có diện tích nuôi thủy sản đạt an toàn thực phẩm trên 300ha, trong đó trên 275ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 13,75ha đạt tiêu chuẩn BAP + ASC.


 

Ông Nguyễn Thanh Hừng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Cần Thơ cho biết: Phát huy các lợi thế sẵn có, ngành chức năng thành phố đã hỗ trợ nông dân phát triển đa dạng các đối tượng thủy sản theo nhiều mô hình khác nhau.
Bên cạnh cá tra là chủ lực, hiện nông dân tại nhiều quận, huyện đã nuôi được nhiều đối tượng thủy sản khác mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Cá chạch, cá lóc, cá thát lát, cá cảnh, lươn, ếch, tôm càng xanh…
Thủy sản được nông dân thành phố nuôi theo nhiều hình thức mới như trong hầm, ao, mương, bể, nuôi lồng bè, nuôi vèo đặt trong ao, ven trên sông, nuôi trên ruộng.
Theo số liệu thống kê, diện tích thả nuôi thủy sản của TP. Cần Thơ năm 2022 trên 10.000ha, diện tích thu hoạch khoảng 9.000ha với sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 220.850 tấn.
Nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nuôi trồng, bảo vệ môi trường sinh thái và ngăn ngừa dịch bệnh.
Những năm qua, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh triển khai xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn GAP, ASC, SQF, BMP, BAP…
Tính đến thời điểm hiện tại, tổng diện tích nuôi thủy sản an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thành phố hơn hơn 300ha, trong đó trên 275ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 13,75ha đạt tiêu chuẩn BAP + ASC.
Một số ứng dụng mới đã và đang là đòn bẩy tạo đột phá cho nuôi trồng thủy sản của thành phố như: mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực sản xuất theo công nghệ Isreal tạo ra đàn tôm cái giả cho năng suất 1 tấn/ha, lợi nhuận tăng từ 35 - 40 triệu đồng/ha so với nuôi giống tôm càng xanh thông thường.
Mô hình nuôi lươn chuyển đổi phương thức sản xuất từ nuôi truyền thống có bùn sử dụng con giống tự nhiên, thức ăn tự chế sang phương thức nuôi không bùn sử dụng con giống bán nhân tạo, thức ăn công nghiệp (giảm rủi ro, tỷ lệ sống 70 - 85%, năng suất từ 10 - 14 kg/m2).
Mô hình nuôi cá chạch lấu trong ao đất, lắp đặt hệ thống máy quạt nước, sục khí, tạo oxy trong ao và chế phẩm sinh học xử lý môi trường. Đây là mở hướng phát triển kinh tế mới cho người dân, năng suất 1,2 tấn/ha, lợi nhuận trên 40 triệu đồng/năm),…
Ngoài ra, ở các quận, huyện như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Thốt Nốt người nuôi thủy sản đã mạnh dạn điều khiển thiết bị 4.0 để tự động bật, tắc khống chế giờ ăn, cảnh báo mất điện. Ứng dụng camera kết nối với điện thoại thông minh quản lý từ xa an ninh khu vực nuôi, kiểm soát đối tượng nuôi, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường.
Năm 2021, Cần Thơ có 199 cơ sở giống thủy sản. trong đó nhiều cơ sở đã ứng dụng công nghệ đẻ vuốt, ấp trứng trong sản xuất giống cá tra, cá chạch lấu, cá thát lát… cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, TP Cần Thơ có 4 cơ sở sản xuất giống tiếp nhận đàn cá bố mẹ hậu bị chọn giống với số lượng 8.800 con từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II nhằm cải thiện di truyền về tính trạng tăng trưởng phục vụ nghề nuôi cá tra thương phẩm. Đàn cá bố mẹ tiếp nhận tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống cao trên 95%.
Đối với giống cá tra ngày càng được cải thiện, chỉ số tăng trưởng cao hơn 20 - 25% so với giống cá trước đây, góp phần nâng cao sản lượng cá giống, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng cho người dân. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cũng được cải thiện từ thức ăn tự nhiên có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được thay thế bằng thức ăn công nghiệp./

 

(NNVN)

Bình luận