Sử dụng kháng sinh thận trọng cho động vật: Thay đổi vì một nền nông nghiệp bền vững

Bình luận · 706 Lượt xem

Ngày 30/9, tại Hà Nội, Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) và Mạng lưới Một Sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) tổ chức Hội thảo khoa học “Sử dụng kháng sinh thận trọng cho động vật: thay


Các chuyên gia đầu ngành thảo luận, chia sẻ về những giải pháp khả thi giúp các cơ quan chức năng hoàn thiện hướng dẫn việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật

 

Đây là hội thảo thứ hai nằm trong chuỗi hội thảo về sử dụng kháng sinh được tổ chức bởi Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD) bao gồm ba nội dung: (1) Vấn đề sử dụng kháng sinh trong ngành y dược, (2) sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp và (3) sử dụng kháng sinh tại các công ty sản xuất thức ăn theo mô hình 3F: Chăn Nuôi-Trang Trại-Thực Phẩm.

Tham dự hội thảo là hơn 60 đại biểu bao gồm các nhà quản lý tới từ Cục Thú Y và Cục Chăn Nuôi thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, các nhà nghiên cứu thuộc Học viện Nông nghiệp Việt nam, Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford, các trường Đại học đầu ngành trong lĩnh vực nông lâm, và đại diện các công ty thức ăn chăn nuôi.

Với sự đóng góp của các chuyên gia và nhà quản lý đầu ngành, hội thảo đã báo cáo tiến trình thực hiện Chiến lược phát triển ngành chăn nuôi giai đoạn 2021-2030; xem xét, đánh giá các dự thảo hướng dẫn ban đầu cũng như các văn bản, thông tư và hướng dẫn hiện hành liên quan đến việc sử dụng thuốc kháng sinh trong điều trị bệnh cho động vật.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững; điều phối viên mạng lưới một sức khỏe các trường Đại học Việt Nam cho biết: Mặc dù kháng sinh được sử dụng phổ biến trong ngành chăn nuôi nhằm duy trì sức khỏe vật nuôi, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần bảo vệ nguồn sinh kế và sự bền vững của ngành chăn nuôi, nhưng việc sử dụng không hợp lý, thiếu trách nhiệm mang đến nhiều rủi ro như tạo ra vi khuẩn nhờn thuốc, tạo tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Theo TS. Phạm Đức Phúc, “Một sức khỏe” (One Health) hiện đang là một hướng phát triển và ứng dụng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe con người dựa vào sự phối hợp, hiểu biết mối quan hệ chặt chẽ giữa sức khỏe con người, sức khỏe động vật và môi trường. Tại Việt Nam, kế hoạch hành động quốc gia về “một sức khỏe” đã có sự tham gia của Bộ NN-PTNT, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn nhiều khó khăn cần phải tháo gỡ như: Thiếu nguồn lực về con người, tài chính, cơ chế chia sẻ thông tin…Do đó, trước yêu cầu phải nhìn nhận “một sức khỏe” theo hướng đa chiều, đa ngành, cần phải sớm tháo gỡ những khó khăn trong sự phối hợp giữa 3 bộ để giải quyết vấn đề này một cách tổng thể hơn.

Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, TS. Võ Trọng Thành - Cục chăn nuôi cho biết, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ như: An toàn sinh học còn hạn chế, phòng chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến sự phát triển không bền vững. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của ngành chăn nuôi. Hao hụt do dịch bệnh là nguyên nhân chính gây biến động tổng đàn, sản lượng thực thực phẩm mất cân đối cung cầu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng sinh kế của người chăn nuôi; Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao (trên 80% số cơ sở và 40% sản lượng), việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong nông hộ và các trang trại quy mô nhỏ còn hạn chế; Dữ liệu thống kê tổng đàn, sản lượng, quy mô chăn nuôi chưa sát thực tế dẫn đến khó dự báo, cảnh báo về thị trường…

Theo T.S. Võ Trọng Thành, trong thời gian tới, ngành chăn nuôi định hướng phát triển theo 5 trụ cột chính: Liên kết theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, tăng giá trị gia tăng, tích hợp giá trị, phát triển bền vững. Do đó, việc quản lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Các chuyên gia và nhà quản lý đầu ngành cũng đóng góp, thảo luận nhiều nội dung như thực trạng và giải pháp kháng sinh trong chăn nuôi bò ở Việt Nam; Khung kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh (AMR) và một số kết quả nghiên cứu AMR và gen kháng thuốc ở vật nuôi…Các đại biểu kêu gọi những hành động thiết thực nhằm đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững, bao gồm: tăng cường quản lý thị trường kháng sinh cho vật nuôi, nâng cao nhận thức về vấn đề kháng kháng sinh cho người dân, khuyến khích áp dụng liệu pháp điều trị thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

V.A (mard.gov.vn)

Bình luận