Tăng cường nhận thức về kháng kháng sinh dành cho doanh nghiệp chuỗi sản xuất thức ăn - chăn nuôi - chế biến

Bình luận · 616 Lượt xem

Ngày 7/10, tại Hà Nội, Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển bền vững (IEHSD) và Mạng lưới Một Sức khoẻ các trường Đại học Việt Nam (VOHUN) tổ chức Hội thảo “Truyền thông tăng cường nhận thức về kháng kháng sinh dành


Các diễn giả thảo luận, chia sẻ nhằm truyền thông về tác động của kháng kháng sinh và đưa ra những giải pháp kiểm soát kháng sinh trong chăn nuôi cho các doanh nghiệp 3F

 

Đây là hội thảo cuối cùng nằm trong chuỗi ba hội thảo về sử dụng kháng sinh có trách nhiệm, được tổ chức bởi Viện Sức khoẻ Môi trường và Phát triển Bền vững (IEHSD) gồm: (1) Vấn đề sử dụng kháng sinh trong ngành y dược, (2) sử dụng kháng sinh trong ngành nông nghiệp và (3) sử dụng kháng sinh tại các công ty sản xuất thức ăn theo mô hình 3F: Chăn Nuôi-Trang Trại-Thực Phẩm.

Tham dự hội thảo là các nhà quản lý tới từ Cục Chăn Nuôi, Viện Thú Y  thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, các trường Đại học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và đại diện các công ty cung cấp chuỗi cung ứng thực phẩm khép kín từ trang trại đến bàn ăn (3F).

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Xuân Việt, Phó trưởng Ban Khoa học công nghệ và môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết : Mặc dù kháng sinh được sử dụng dụng phổ biến trong ngành chăn nuôi nhằm duy trì sức khỏe vật nuôi và đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên hiện nay, việc sử dụng chưa hợp lý thuốc kháng sinh trong chăn nuôi, bán thuốc kháng sinh không theo đơn hay trộn thuốc kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không được giám sát về chuyên môn là những nguyên nhân chính dẫn đến tồn dư kháng sinh trong thực phẩm, gia tăng tình trạng kháng kháng sinh trong cộng đồng. Nếu không sử dụng có trách nhiệm, thuốc kháng sinh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn thực phẩm, sức khỏe con người và môi trường. 

TS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững, điều phối viên mạng lưới Một Sức khỏe các trường Đại học Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Phạm Đức Phúc - Viện trưởng Viện sức khỏe Môi trường và Phát triển bền vững, điều phối viên mạng lưới Một Sức khỏe các trường Đại học Việt Nam, kháng kháng sinh là một vấn đề nguy cơ toàn cầu và rất phức tạp, trong đó Việt Nam là một trong những nước được liệt kê là nước sử dụng kháng sinh nhiều nhất trên thế giới. Trước thực trạng báo động trên, Việt Nam đã có kế hoạch và xây dựng lộ trình giảm thiểu sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm phát triển ngành chăn nuôi bền vững. Theo đó, kể từ ngày 01/01/2026 sẽ ngừng hoàn toàn việc sử dụng kháng sinh để phòng bệnh cho vật nuôi. Kháng sinh chỉ được phép sử dụng để điều trị, điều trị dự phòng cho vật nuôi. Hướng tới tuần lễ Nhận thức về kháng sinh trên thế giới (18-24/11/2022) với chủ đề “cùng nhau ngăn ngừa kháng kháng sinh”, TS. Phạm Đức Phúc kêu gọi tất cả các bên cùng nhau sử dụng kháng sinh một cách thận trọng, tăng cường các biện pháp phòng ngừa nhằm giải quyết vấn đề kháng kháng sinh, hợp tác cùng nhau thông qua cách tiếp cận Một Sức khỏe để hướng tới sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trên toàn cầu.

TS. Võ Trọng Thành - Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) phát biểu tại hội thảo

TS. Võ Trọng Thành - Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, hiện nay ngành chăn nuôi vẫn còn tồn tại nhiều nút thắt cần phải tháo gỡ như: An toàn sinh học còn hạn chế, phòng chống dịch bệnh chưa đạt hiệu quả cao dẫn đến sự phát triển không bền vững. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của ngành chăn nuôi. Hao hụt do dịch bệnh là nguyên nhân chính gây biến động tổng đàn, sản lượng thực thực phẩm mất cân đối cung cầu, giảm lợi nhuận và ảnh hưởng sinh kế của người chăn nuôi; Quy mô chăn nuôi nhỏ còn chiếm tỷ trọng cao (trên 80% số cơ sở và 40% sản lượng), việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học trong nông hộ và các trang trại quy mô nhỏ còn hạn chế; Dữ liệu thống kê tổng đàn, sản lượng, quy mô chăn nuôi chưa sát thực tế dẫn đến khó dự báo, cảnh báo về thị trường…

Trước những thách thức mới của ngành chăn nuôi trong bối cảnh hiện nay (dịch Covid trên người và dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi trên vật nuôi (dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm) vẫn diễn biến phức tạp, chưa được kiểm soát hoàn toàn; giá năng lượng thế giới tăng cao và xung đột giữ Nga – Ukraina đẩy giá nguyên liệu TACN thế giới và Việt Nam tăng cao, tăng chi phí đầu vào sản xuất; biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan khó lượng; mức dộ cạnh tranh thực phẩm tăng giữa Việt Nam và thế giới...),TS. Võ Trọng Thành cho biết trong thời gian tới, ngành chăn nuôi định hướng phát triển theo 5 trụ cột chính: Liên kết theo chuỗi giá trị, an toàn sinh học, tăng giá trị gia tăng, tích hợp giá trị, phát triển bền vững. Do đó, việc quản lý, hướng dẫn sử dụng kháng sinh an toàn, hiệu quả đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã giới thiệu tiến trình thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cũng như trao đổi mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi bền vững hướng tới sử dụng kháng sinh có trách nhiệm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm tại Việt Nam. Đặc biệt, các chuyên gia còn chia sẻ những giải pháp góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh trong chăn nuôi như áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, sử dụng probiotic, enzyme, vv… giúp cho vật nuôi khỏe mạnh nhờ khả năng cân bằng hệ tiêu hóa, giảm rủi ro bị bệnh.  

Toàn cảnh hội thảo

V.A (mard.gov.vn)

Bình luận