Hình mẫu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước

Bình luận · 224 Lượt xem

TP.HCM Sau 19 năm, đến nay, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đã từng bước lan tỏa, dẫn dắt chuyển đổi nền nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao của cả nước.

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM hiện có 251 người gồm 2 tiến sĩ, 54 thạc sĩ, 146 đại học và 49 trình độ khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM hiện có 251 người gồm 2 tiến sĩ, 54 thạc sĩ, 146 đại học và 49 trình độ khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dẫn dắt chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang ứng dụng công nghệ cao

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu để phát triển ngành nông nghiệp cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng, nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, phục vụ phát triển đô thị theo hướng hiện đại, hướng tới xuất khẩu bền vững.

Xác định được vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ đối với sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, TP.HCM luôn coi trọng và phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học.

Bài liên quan

Được hình thành từ năm 2004, đến nay, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (huyện Củ Chi) là đơn vị tiên phong trên cả nước về lĩnh vực trồng trọt, thủy sản, nhằm hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững. Và đang trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong cả nước.

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) TP.HCM cho biết, là cơ quan quản lý hành chính nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM, BQL Khu NNCNC có 4 trung tâm trực thuộc gồm: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, Trung tâm Khai thác hạ tầng và Trung tâm Dạy nghề nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, tại đây còn thu hút 14 nhà đầu tư là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Giá trị sản lượng sản xuất hàng năm của 14 doanh nghiệp này tăng trưởng đều đặn, trung bình cả giai đoạn đạt khoảng 200 tỷ đồng/năm. “Nơi đây là “đầu não” để quảng bá cách làm nông nghiệp công nghệ cao thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình để trình diễn và chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp và ươm tạo công nghệ, du lịch tri thức và định hướng nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”, ông Dũng nói.

Phòng nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phòng nuôi cấy mô tại Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tính đến nay, các đơn vị trực thuộc BQL Khu NNCNC đã triển khai gần 500 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp. Nội dung nghiên cứu tập trung vào các nhóm đối tượng như hoa lan, cây cảnh, cá cảnh; rau ăn lá, rau ăn quả; cây dược liệu, nấm ăn và nấm dược liệu; thủy sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn và chế phẩm sinh học ứng dụng cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, có 7 tiến bộ khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, 1 sáng kiến có phạm vi ảnh hưởng toàn quốc, 4 giống công nhận tiêu chuẩn cơ sở và 7 chế phẩm vi sinh được Sở NN-PTNT TP.HCM công nhận hợp quy và đang thực hiện đăng ký bảo hộ 1 giống khổ qua và 1 giống dưa lưới, cùng hàng trăm kết quả nghiên cứu được chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

“Đây là kết quả của sự nỗ lực, phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn của tập thể lãnh đạo và các công chức, viên chức, người lao động trong toàn đơn vị”, Trưởng BQL Khu NNCNC TP.HCM nói.

Về công tác nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo giống cây, giống con, đến nay, đã công bố các giống lai F1 (dưa lưới, ớt cay, khổ qua, dưa leo) theo tiêu chuẩn cơ sở, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đăng ký các giống này gửi Cục Trồng trọt, Bộ NN-PTNT.

Khu Nông nghiệp Công nghệ cao cũng đã xây dựng thành công các quy trình vi nhân giống các loại hoa lan và các quy trình canh tác đối với các cây kiểng của bộ sưu tập bản địa 13 loài cây kiểng, 10 loại kiểng lá, hoa nền, 2 loài lan kim tuyến, 15 giống dendrobium nắng và 120 giống lan rừng có giá trị kinh tế.

“Hàng năm, các đơn vị trực thuộc BQL Khu NNCNC và các doanh nghiệp đã sản xuất và cung cấp hơn 50 tấn hạt giống (bầu, bí, ớt, cà tím, dưa leo); khoảng 250.000 cây gieo ươm 11 loại (bầu, bí, ớt); sản xuất hơn 1 triệu cây giống và cung cấp khoảng 460.000 cây giống các loại (dendrobium, mokara, hồ điệp).

Sản xuất hơn 50.000 con cá cảnh các loại (cá ông tiên, cá neon, cá chép Koi, cá dĩa, cá xiêm); cung cấp khoảng 400.000 bịch phôi nấm các loại (nấm linh chi, nấm bào ngư, nấm mối đen) cho thị trường.

Các cây, con giống cung cấp ra thị trường được đánh giá có tính đồng đều, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh hại, có năng suất và chất lượng tốt”, ông Dũng cho hay.

Đã xây dựng được hơn 60 mô hình ứng dụng công nghệ cao trên các đối tượng dưa lưới, dưa leo cà chua bi, bầu bí, rau ăn lá; mô hình trồng hoa lan; công nghệ sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào thực vật; mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; mô hình nuôi và quy trình trồng một số loài thủy sản nước mặn, nước lợ; mô hình sản xuất giống cá cảnh.

Đoàn khách Lào tham quan mô hình trồng khổ qua trong nhà màng Israel tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Đoàn khách Lào tham quan mô hình trồng khổ qua trong nhà màng Israel tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM.

Chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới

Theo ông Dũng, đến nay, Khu NNCNC TP.HCM đã thực hiện và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nhiều đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh như: Đắk Nông, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Qua đó, giúp các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có thể từng bước tiếp cận các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp.

Bài liên quan

“Chúng tôi cử cán bộ đi tận nơi khảo sát để nắm bắt nhu cầu, trên cơ sở đó, các chuyên gia cùng với công nghệ sẽ “mổ xẻ”, nghiên cứu đưa ra các giống cây, con phù hợp với từng vùng đất, thổ nhưỡng từng tỉnh thành trên cả nước, từ đó chuyển giao tới cho các doanh nghiệp, HTX, trung tâm khuyến nông và bà con nông nhân”, ông Dũng cho hay.

Cùng với hoạt động nghiên cứu, ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là một trong những hoạt động quan trọng trong chiến lược phát triển của Khu NNCNC. Đã có 61 doanh nghiệp tham gia chương trình ươm tạo thuộc nhiều lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, sản xuất và canh tác, nuôi trồng nấm, chế phẩm sinh học, nuôi trồng thủy sản.

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (áo kẻ ngoài cùng) trong chuyến khảo sát tại tỉnh Bạc Liêu. 

Ông Phạm Đình Dũng, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM (áo kẻ ngoài cùng) trong chuyến khảo sát tại tỉnh Bạc Liêu. 

Theo lãnh đạo BQL Khu NNCNC TP.HCM, một trong những nhân tố giúp đơn vị phát triển thành công đó là phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao, tạo điều kiện để công chức, viên chức, nghiên cứu viên tham gia các lớp nâng cao trình độ chuyên môn, các lớp bồi dưỡng nông nghiệp công nghệ cao trong nước và nước ngoài như Úc, Israel, Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

“Vừa qua, UBND TP.HCM đã phê chuẩn 5 chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, sinh học, chế biến sau thu hoạch. Hy vọng trong thời gian tới, với việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy, xây dựng và phát triển các Khu NNCNC trở thành trung tâm về đầu tư trong nông nghiệp và phát triển khoa học và công nghệ. Đưa các Khu NNCNC của Thành phố từng bước trở thành hạt nhân của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng ngành nông nghiệp hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp sản xuất tại Thành phố và mở rộng đầu tư sang các địa phương khác”, ông Phạm Đình Dũng nói.

Mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động hiện nay của BQL Khu NNCNC cũng phát sinh một số vấn đề khó khăn, do là mô hình đặc thù đầu tiên của cả nước, chưa có quy định chuyên ngành nào điều chỉnh hoạt động tổ chức của đơn vị.

Tại hội thảo khoa học "Mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM" mới được tổ chức ngày 11/5 vừa qua, nhiều chuyên gia cho rằng, sứ mệnh của Khu NNCNC TP.HCM không chỉ giới hạn trong việc thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao của Thành phố, mà còn đóng vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi nông nghiệp của miền Đông và miền Tây Nam bộ. Do vậy, việc hoàn thiện mô hình hoạt động theo hướng tăng cường phân cấp quản lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị làm tốt chức năng, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, thực tiễn, các quy định pháp luật về khoa học công nghệ, đất đai, đầu tư của nước ta vẫn còn chồng chéo và chưa được thực thi một cách hiệu quả. Do đó, cần bổ sung, sửa đổi pháp luật trong thời gian tới nhằm định hướng đúng cho chính sách xây dựng và mở rộng các khu nông nghiệp công nghệ cao tại TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, theo Điều 32, Luật Công nghệ cao năm 2008 thì Khu Nông nghiệp Công nghệ cao là khu công nghệ cao tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp, được hiểu đây là khu công nghệ cao, là cơ quan hành chính đặc thù nhưng hiện nay các BQL Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ xác định là đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu mô hình hoạt động của BQL Khu NNCNC TP.HCM theo hướng đơn vị sự nghiệp công lập, chắc chắn sẽ vướng về chức năng quản lý nhà nước, nhất là quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quản lý hạ tầng. “Cần phải kiến nghị để xác định rõ mô hình hoạt động của BQL Khu NNCNC TP.HCM để phát huy vai trò quản lý hiệu quả các Khu NNCNC đã và đang được đầu tư mở rộng trên địa bàn Thành phố”, ông Hiệp đề nghị.

Bình luận