Dự án VnSAT giành giải thưởng khu vực Đông Á 2023 của World Bank

Bình luận · 231 Lượt xem

Dự án VnSAT - một trong những dự án hợp tác nông nghiệp quốc tế thành công nhất giành Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 của Ngân hàng Thế giới.

Ngày 12/6, ông Li Guo, Điều phối viên Chương trình Quốc gia về Nông nghiệp, chuyên gia cao cấp Kinh tế Nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam thông báo tới Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-PTNT) cho biết, Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) đã nhận được Giải thưởng Đồng đội Khu vực Đông Á năm 2023 (FY23 EAP Team Awards). Trong 80 dự án tham gia cuộc thi, VnSAT là một trong 13 dự án nhận giải.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được đánh giá là dự án hợp tác nông nghiệp quốc tế thành công nhất từ trước đến nay, là hình mẫu trong hợp tác quốc tế. Ảnh: LHV.

Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) được đánh giá là dự án hợp tác nông nghiệp quốc tế thành công nhất từ trước đến nay, là hình mẫu trong hợp tác quốc tế. Ảnh: LHV.

Ông Li Guo gửi lời cảm ơn tới Vụ Hợp tác Quốc tế về những hỗ trợ và phối hợp trong thời gian qua. Đồng thời mong muốn hai bên sẽ phát triển hợp tác hiệu quả hơn trong tương lai.

Cùng ngày, ông Manuela V.Ferro, Phó Chủ tịch Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương (WB) cũng thay mặt Ban Quản lý Giải thưởng EAP chia sẻ lời chúc mừng tới Bộ NN-PTNT.

“Đây là một sáng kiến tuyệt vời”, ông V.Ferro khen ngợi và đánh giá cao kết quả mà Dự án đã đạt được với sự kết hợp hiệu quả giữa phát triển và biến đổi khí hậu.

Dự án đã giúp giảm 1,58 triệu tấn khí phát thải nhà kính từ trồng lúa hàng năm (50% so với mục tiêu), đồng lại mang lại lợi ích cho hơn 1 triệu nông dân về mặt kinh tế, huy động nguồn tài trợ của khu vực tư nhân và tác động tới các chiến lược nông nghiệp carbon thấp tầm quốc gia và quốc tế.

Đại diện WB cũng cho biết, cơ quan này đang áp dụng các bài học từ dự án VnSAT tại các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Sau hơn 7 năm triển khai (2015 - 2022), Dự án VnSAT được đánh giá là dự án hợp tác nông nghiệp quốc tế thành công nhất từ trước đến nay, là hình mẫu trong hợp tác quốc tế.

Theo Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), Dự án VnSAT đã rà soát các đề án tái cơ cấu ngành và các tiểu ngành, kế hoạch chuyên đề, chính sách phục vụ tái cơ cấu, góp phần tăng cường năng lực thể chế hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu cho các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT, các tỉnh tham gia Dự án, các đối tác và mạng lưới trong chuỗi giá trị.

Dự án VnSAT được đánh giá hoàn thành xuất sắc, với 5 mục tiêu phát triển đều đạt và vượt mức so với mục tiêu ban đầu, có chỉ tiêu vượt 150%; 11 mục tiêu trung gian đạt và vượt mục tiêu ban đầu. Bên cạnh đó, Dự án đã hoàn thành việc thí điểm tại 5 khu vực, được Bộ NN-PTNT nghiệm thu các kết quả nghiên cứu.

Có 93% diện tích vùng Dự án áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật về tưới tiết kiệm, tương đương 54.000ha. Ảnh: LHV.

Có 93% diện tích vùng Dự án áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật về tưới tiết kiệm, tương đương 54.000ha. Ảnh: LHV.

Có 93% diện tích vùng Dự án áp dụng đúng biện pháp kỹ thuật về tưới tiết kiệm, tương đương 54.000ha, đạt 245% so với mục tiêu Dự án đặt ra là 22.000ha. Hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị đã góp phần tạo tiền đề cho các tổ chức nông dân phát triển sản xuất.

Đối với hoạt động liên kết chuỗi, đến nay, có khoảng 74.000ha lúa đã được liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giữa tổ chức nông dân và doanh nghiệp; các sản phẩm gạo ST24, ST25 đã được tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là Hà Nội, đã và đang tiêu thụ ở một số nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, đã có khoảng 14.700ha cà phê được tham gia hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp. Các sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu đi Mỹ và một số nước.

Hoạt động truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là Báo Nông nghiệp Việt Nam với hàng trăm sản phẩm báo chí đa phương tiện đã góp phần lan tỏa rộng rãi dự án, đặc biệt là những tiến bộ khoa học kỹ thuật, qua đó đã góp phần làm thay đổi hành vi của người dân, tác động thúc đẩy tái cơ cấu lúa gạo và cà phê nói riêng, ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung.

Bình luận