Bình Định thu hút đầu tư vào những lĩnh vực mũi nhọn

Bình luận · 231 Lượt xem

Trong nông nghiệp, Bình Định có những ngành kinh tế mũi nhọn như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và chăn nuôi… thời gian qua, những ngành này thu hút mạnh đầu tư.

Nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư

Bình Định là tỉnh có nền kinh tế nông nghiệp chiếm đến 27% trong cơ cấu kinh tế, 70-80% lao động đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; do đó để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp, những năm qua Bình Định thu hút mạnh đầu tư vào các ngành “mũi nhọn” như đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản và chăn nuôi.

Để tạo động lực, Bình Định xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Tỉnh đảng bộ lần thứ XX nhiệm kỳ 2020-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bình Định xác định thu hút vốn đầu tư là “đòn bẩy” cho tăng trưởng và phát triển bền vững kinh tế của tỉnh. Do đó, trong thời gian qua chính quyền tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng, điều chỉnh và bổ sung một số chính sách ưu đãi để thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính thông qua cơ chế “một cửa”, tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Do vậy, kết quả thu hút đầu tư của Bình Định đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng-Bình Định. Ảnh: Lê Khánh.

Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng-Bình Định. Ảnh: Lê Khánh.

Về đầu tư trong nước, trong thời gian qua, Bình Định đã tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của tỉnh để thu hút các nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp sạch. Bình Định là tỉnh có nhiều lợi thế trong phát triển nông nghiệp sạch và các lĩnh vực có thế mạnh như: Chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng cây dược liệu. Nhiều thể chế, chính sách tài chính đã được tỉnh Bình Định ban hành để hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch ở Bình Định thời gian gần đây đã góp phần tạo thêm việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống kinh tế-xã hội của vùng sản xuất nông nghiệp và nông thôn, cải thiện cơ sở hạ tầng, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đến nay, các dự án FDI vào lĩnh vực nông nghiệp sạch ở Bình Định đã thu hút được nhiều lao động trực tiếp, chưa kể số lượng lớn lao động thời vụ và lao động khác trong khu vực chăn nuôi, trồng trọt để cung cấp sản phẩm cho ngành chế biến thực phẩm.

Ví như Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín có 100% vốn Nhật Bản vào Bình Định đầu tư nhà máy chế biến cá ngừ đại dương xuất khẩu với quy mô 5ha, công suất 3.000 tấn/năm, có tổng vốn đầu tư 180 tỷ đồng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (TP. Quy Nhơn). Nhà máy chế biến cá ngừ đại dương của Công ty đã đi vào hoạt động từ năm 2019, mở ra kênh tiêu thụ mới cho thủy sản đánh bắt của ngư dân với Dự án chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định.

Nhờ đó, giá bán cá ngừ đại dương ổn định hơn, tăng thu nhập cho ngư dân, nâng giá trị nhãn hiệu “Cá ngừ đại dương Bình Định”; đồng thời tạo nguồn nguyên liệu chất lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu chế biến, xuất khẩu của doanh nghiệp.

Ngư dân Bình Định câu cá ngừ đại dương bằng thiết bị câu của Nhật Bản. Ảnh: Đình Thung.

Ngư dân Bình Định câu cá ngừ đại dương bằng thiết bị câu của Nhật Bản. Ảnh: Đình Thung.

“Công ty TNHH Thực phẩm Mãi Tín còn có 2 tàu cá đánh bắt cá ngừ đại dương ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động đánh bắt, bảo quản phục vụ dự án chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ cá ngừ đại dương Bình Định”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Nổi bật trong lĩnh vực trồng trọt ở Bình Định là trong thời gian qua, ngành chức năng tỉnh này đã thu hút được 2 doanh nghiệp là Công ty CP Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình và Công ty Giống cây trồng Trung ương tham gia xây dựng dự án liên kết sản xuất lúa giống, góp phần làm tăng thu nhập cho nông dân.

Tập trung những ngành “mũi nhọn”

Thu hút đầu tư mạnh nhất trong những năm qua của Bình Định là lĩnh vực chăn nuôi. Về sản xuất gà giống, Bình Định có 2 doanh nghiệp “nổi đình nổi đám” cả nước là Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư (huyện Tuy Phước) và  Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (huyện Phù Cát).

Riêng Công ty Minh Dư hiện có tổng đàn già giống gần 1,3 triệu con 3 thế hệ: Cụ kỵ, ông bà và bố mẹ; năng lực sản xuất gần 150 triệu con giống mỗi năm, là doanh nghiệp cung ứng giống gà chiếm thị phần lớn nhất Việt Nam với khoảng 28%. Trong sản xuất, Công ty này ứng dụng công nghệ cao, hiện đại và tự động hóa.

Hiện nay, toàn bộ hệ thống ăn, uống, kiểm soát khí hậu chuồng nuôi, hệ thống chiếu sáng và phun thuốc sát trùng tại các trang trại trực thuộc công ty đặt tại xã Phước Nghĩa (huyện Tuy Phước), xã Canh Vinh (huyện Vân Canh), xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) đều hoàn toàn tự động. Nhà máy ấp nở của Công ty Minh Dư được đánh giá lớn nhất châu Á, là 1 trong 8 nhà máy ấp hiện đại nhất thế giới.

Hoặc như Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh ở xã Cát Tân (huyện Phù Cát). Từ năm 2016, Công ty đã chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hiện công ty đã đầu tư hoàn thiện 50 dãy chuồng nuôi nền kín lạnh với chi phí 4 tỷ đồng/chuồng nuôi 10.000 con gà giống. Đặc biệt, Công ty Cao Khanh nhập 10 dãy chuồng nuôi lồng công nghệ cao từ Cộng hòa Liên bang Đức với chi phí 8 tỷ đồng/lồng nuôi.

Hệ thống cho tôm ăn tự động của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Hệ thống cho tôm ăn tự động của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ (Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Là tỉnh phát triển mạnh ngành chăn nuôi, cuối năm 2015, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương cho Công ty Giống-Chăn nuôi Việt Thắng đầu tư xây dựng Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng-Bình Định tại thôn Đại Khoan, xã Cát Lâm (huyện Phù Cát). Công ty Giống-Chăn nuôi Việt Thắng có tổng đàn heo cụ kỵ, ông bà, bố mẹ với 2.100 con; mỗi năm sản xuất 75.000 con heo giống chất lượng cao. Hiện nay, doanh nghiệp đang mở rộng xây dựng 23 dãy chuồng hiện đại.

Năm 2020, Tập đoàn Hùng Vương mời Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải-THACO tham gia vào 2 lĩnh vực nuôi cá và heo, từ đó, Trường Hải-THACO trở thành “công ty mẹ” của Công ty TNHH Giống-chăn nuôi Việt Thắng Bình Định, đơn vị chủ đầu tư Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng Bình Định. Từ đó, Trại heo giống công nghệ cao Việt Thắng Bình Định được mở rộng thêm, đàn nái tăng lên 12.500 con, trong đó có 2.500 con heo giống cụ kỵ, ông bà và 10.000 con giống bố mẹ.

Ngoài ra, hiện nay tại Bình Định đã có 13 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi, công suất thiết kế 2 triệu tấn/năm; 12 doanh nghiệp chăn nuôi heo thương phẩm có quy mô sản xuất hơn 750.000 con/năm; 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 nhà máy giết mổ động vật tập trung theo hình thức cơ giới.

Điểm sáng trong nuôi trồng thủy sản công nghệ cao ở Bình Định là Khu phức hợp nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống của Công ty TNHH Việt Úc-Phù Mỹ với 10 khu nhà màng, mỗi nhà màng có diện tích 1 ha cùng 30 nhà lưới, mỗi nhà lưới có diện tích 1 ha nuôi tôm thương phẩm. Nhờ áp dụng cong nghệ cao vào sản xuất, năng suất tôm đạt từ 40-60 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch trong năm 2022 đạt 2.100 tấn tôm công nghệ cao.

Bình Định đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 nhà máy giết mổ động vật tập trung theo hình thức cơ giới. Ảnh: V.Đ.T.

Bình Định đã thu hút được 3 doanh nghiệp đầu tư xây dựng 4 nhà máy giết mổ động vật tập trung theo hình thức cơ giới. Ảnh: V.Đ.T.

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) với tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng. Đến quý 2/2026, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động, gồm nhà máy chế biến tôm với công suất 20.000 tấn tôm thương phẩm/năm, giá trị xuất khẩu 256 triệu USD; nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản công suất 100.000 tấn/năm; đưa vào sản xuất khu nuôi tôm thương phẩm công nghệ cao với tổng sản lượng tôm thương phẩm đạt 11.450 tấn/năm. Khu nuôi tôm công nghệ cao ày sẽ giải quyết công ăn việc làm khoảng 4.000-5.000 người.

Bình luận