Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong trồng trọt

Bình luận · 182 Lượt xem

NDO - Trong trồng trọt, kinh tế tuần hoàn không còn các khái niệm “kết thúc vòng đời” mà thay thế bằng việc giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi các nguyên liệu, sản phẩm phụ trong cả chu trình từ sản xuất-phân ph??

Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại Hà Tĩnh.
Mô hình sản xuất lúa hữu cơ, tuần hoàn tại Hà Tĩnh.

Theo Cục Trồng trọt, kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực trồng trọt có các nội dung cơ bản bao gồm việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý để tăng giá trị, giảm phát sinh phụ phẩm, chất thải, tiết kiệm tài nguyên. Tái chế chất thải, phế phụ phẩm làm nguyên liệu đầu cho quá trình sản xuất khác hoặc tiếp theo. Qua đó, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế, giảm lãng phí, thất thoát và lượng chất thải. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Qua thống kê, phát sinh phụ phẩm cây trồng từ các nhóm cây trồng chính của nước ta hằng năm là hơn 100.000 tấn, trong đó lúa là hơn 60.000 tấn, ngô gần 10.000 tấn, sắn hơn 12.000 tấn... Đây là nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào cũng là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng góp phần kéo dài chuỗi giá trị gia tăng trong nông nghiệp.

Thực tế tại nước ta, hiện nay đã có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp như mô hình: tạo và dùng khí đốt từ chất thải, nước thải trong chăn nuôi, trồng trọt; mô hình kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; mô hình nông-lâm kết hợp; mô hình vườn-rừng; mô hình tuần hoàn lấy phụ phẩm trong nông nghiệp làm chất xúc tác hoặc tạo ra các sản phẩm có giá trị khác…

Trong đó, mô hình tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa giúp nâng cao giá trị sản xuất lúa, đa dạng hóa sản phẩm, giảm phân bón hóa học, cải tạo đất... Ngoài ra, tận dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rơm rạ trong trồng lúa để trồng nấm và bã sau khi thu hoạch nấm được tận dụng để bón cho cây trồng.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Đức Thuận cho biết, trên địa bàn có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 291.000ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 84.800ha. Trong những năm gần đây, nông nghiệp tuần hoàn tại địa bàn đang có hướng phát triển mạnh mẽ và mang lại hiệu quả khá tốt, tốc độ nhân rộng khá mạnh.

Điển hình như mô hình sản xuất tại các trang trại của GC Food Group Ninh Thuận đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Các trang trại của GC Food Group áp dụng hiệu quả mô hình nông nghiệp tuần hoàn là trang trại VietFarm, trang trại Nắng và Gió… Để không lãng phí, tất cả vỏ, bẹ nha đam từ nhà máy được thu gom, ủ men vi sinh, phối trộn cùng phân gia súc để tạo ra phân hữu cơ bón cho vùng nha đam nguyên liệu, nho, táo và đồng cỏ để nuôi bò và cừu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho biết, là địa phương có diện tích đất canh tác nông nghiệp lớn cũng như vùng sản xuất rau, hoa, cà-phê lớn của cả nước. Năm 2022, toàn tỉnh có 300.000ha đất canh tác nông nghiệp, trong đó diện tích đất gieo trồng gần 393.000ha.

Thời gian qua, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được xác định là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý, các chất thải, phế phụ phẩm được tái chế. Từ đó quay lại làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình nuôi trồng, chế biến nông, lâm, thủy sản tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng cao, giảm lãng phí, thất thoát và giảm tối đa lượng chất thải. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tái sử dụng phụ, phế phẩm trong sản xuất, bảo vệ môi trường.

 

Đến nay, trên địa bàn tỉnh, có nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn đạt hiệu quả như: Công ty TNHH Dalat Hasfarm đã triển khai mô hình thu gom, xử lý phế phụ phẩm từ trồng hoa, rau của trang trại tại xã Đạ Ròn, huyện Đơn Dương với quy mô hơn 200ha nhà kính. Công nghệ tích hợp sử dụng máy cơ giới hóa cắt phụ phẩm, đảo trộn, phun chế phẩm giúp đơn vị này tái chế khoảng 35.000m3 đến 36.000m3 phụ phẩm hằng năm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm công lao động, hiện đại hóa sản xuất thân thiện môi trường.

Cục Trồng trọt cho rằng, hiện nay việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn ở nước ta còn một số khó khăn như: nhận thức người quản lý, người sản xuất, cộng đồng xã hội, người tiêu dùng chưa đầy đủ về nông nghiệp tuần hoàn; động lực cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn còn hạn chế, chưa tạo ra các đòn bẩy và thiếu các chính sách phù hợp.

Công nghệ thu gom, xử lý, tái chế phụ phẩm cây trồng còn ít, rời rạc chưa đồng bộ, thiếu các công nghệ có giá thành hợp lý, phù hợp với nông dân. Thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ, hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và tái chế, tái sử dụng phụ phẩm cây trồng; thiếu các kết nối bền vững toàn hệ thống (trồng trọt-chăn nuôi-chế biến...) theo mô hình kinh tế tuần hoàn để nâng cao giá trị, kéo dài vòng đời sản phẩm, giảm chi phí.

Mặt khác cũng thiếu tính liên kết, đa ngành trong phát triển các mô hình nông nghiệp tuần hoàn để nâng cao giá trị cho người sản xuất, lưu thông và tiêu dùng. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, thiếu các mô hình phù hợp để giảm giá thành, nâng cao hiệu quả. Thị trường cho các sản phẩm từ kinh tế tuần hoàn trong trồng trọt còn hạn chế, chưa minh bạch về nhận diện sản phẩm, truy xuất nguồn gốc...

Ngay như tại tỉnh Lâm Đồng phương thức sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiện mới chỉ áp dụng cho các mô hình sản xuất trang trại tổng hợp; chưa hoàn toàn khép kín, chủ yếu là tự phát; các doanh nghiệp thu mua chất thải nông nghiệp còn ít, mới chỉ dừng lại trong việc tái sử dụng cho cây trồng của chính các chủ trang trại hoặc thương lái nhỏ lẻ...

Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần tuyên truyền, giới thiệu và nhân rộng các mô hình hay, hiệu quả về nông nghiệp tuần hoàn. Từ đó, nhân rộng, lan tỏa các mô hình này trong sản xuất. Đồng thời, xây dựng các chính sách khuyến khích ưu đãi cho cơ sở sản xuất ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp; chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp tuần hoàn.

Hơn nữa, phát triển kinh tế tuần hoàn cần bảo đảm tính đồng bộ gắn kết giữa các trang trại, doanh nghiệp, người dân góp phần ổn định bền vững trong chuỗi sản xuất và môi trường hướng tới nền kinh tế xanh; áp dụng các biện pháp công nghệ để tái chế, xử lý các phụ phẩm nông nghiệp thành phân bón hữu cơ để phục vụ sản xuất; xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp tuần hoàn, sinh thái trong trồng trọt, chăn nuôi; sử dụng sản phẩm trồng trọt làm thức ăn trong chăn nuôi và sử dụng hiệu quả các phụ phẩm chăn nuôi, cung cấp phân hữu cơ cho trồng trọt.

Bình luận