Tan tác thú y cơ sở [Bài 1]: 70 phường, xã trắng cán bộ thú y chuyên trách

Bình luận · 412 Lượt xem

Không chế độ nhưng làm việc quần quật cả ngày, nhiều cán bộ thú y phường bỏ việc vì không đủ sống khiến thú y cơ sở tại Thanh Hóa gặp khó.

Theo Nghị quyết 232/2019/NQ-HĐND ngày 12/12/2019 của HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định về chức danh, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố… các phường sẽ không bố trí nhân viên thú y. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Nghị quyết, nhiều bất cập đã lộ rõ tại các địa phương.

Việc cần giải quyết bài toán này là Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa sớm xem xét các đề nghị của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành Nội vụ, NN-PTNT liên quan đến hoạt động ngành dọc của hệ thống thú y.

Anh Bính mặc dù kiêm nhiệm 2 chức danh, nhưng không được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì. Ảnh: Quốc Toản.

Anh Bính mặc dù kiêm nhiệm 2 chức danh, nhưng không được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì. Ảnh: Quốc Toản.

“Cơm nhà, áo vợ”

Anh Nguyễn Đình Bính quản việc thú y phường Quảng Tâm (TP Thanh Hóa) mười mấy năm nay. Trước đây, khi còn chức danh cán bộ thú y xã, mỗi tháng anh Bính được hưởng mức phụ cấp 0,9 (tương đương hơn 1 triệu đồng/tháng).

Trong khi đó, một mình cán bộ này đảm nhiệm nhiều công việc phức tạp như tiêm phòng, kiểm soát giết mổ, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Năm 2021, khi xã Quảng Tâm chuyển đổi thành phường, chức danh thú y không còn.

Ông Nguyễn Công Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng Tâm than thở: “Nói là phường nhưng thực chất nguồn thu nhập chính của người dân vẫn từ sản xuất nông nghiệp. Toàn phường hiện có 495 con lợn, 690 con chó, 60 con trâu bò và 7.000 con gia cầm.

Với quy mô chăn nuôi như vậy, không thể không có nhân viên thú y cơ sở để thực hiện nhiệm vụ tiêm phòng và phòng, chống dịch bệnh. Bởi vậy, dù phường bị cắt chức danh cán bộ thú y, nhưng chúng tôi vẫn phải bố trí anh Bính, Phó Chủ tịch Hội nông dân phường kiêm nhiệm “chức danh” thú y phường.

Cán bộ Bính mặc dù kiêm nhiệm 2 chức danh, nhưng không được hưởng bất cứ chế độ chính sách gì. Trong khi đó, khối lượng công việc về chăn nuôi, thú y rất lớn. Để đảm bảo công tác thú y trên địa bàn, UBND phường đã vận dụng các nguồn để hỗ trợ anh Bính 1 triệu đồng/tháng. Nếu anh Bính nghỉ việc khó tìm người thay thế".

Không lương, không bảo hiểm, nhưng nếu có việc cấp bách liên quan tới thú y là anh Bính xắn tay vào việc bất kể ngày hay đêm và hoàn thành nhiệm vụ được giao phó. Khoản kinh phí ít ỏi hàng tháng mà UBND phường Quảng Tâm trả công chỉ đủ cho anh Bính đổ xăng. Để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, anh Bính còn kiêm nhiệm thêm nghề phối giống và chữa bệnh cho vật nuôi...

Nhân viên thú ý 'ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng'. Ảnh: Việt Khánh.

Nhân viên thú ý "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Ảnh: Việt Khánh.

Anh Bính bày tỏ: “Tôi làm vì trách nhiệm đảng viên và đam mê với ngành nghề được đào tạo. Cũng may, mình có chuyên môn và có nghề tay trái nên mới thêm thu nhập. Nói chung thu nhập nghề này ở nông thôn vô kể lắm. Tháng nhiều vài triệu, tháng ít vài trăm. Tiền sinh hoạt, tiền học cho con chủ yếu do vợ lo”.

Tại phòng làm việc, anh Bính lần dở từng trang giấy, ghi chép cẩn thận kế hoạch tiêm phòng, khảo sát tổng đàn, chi phí chi trả cho đợt tiêm phòng dịch đợt 1 năm 2023. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, anh Bính phối hợp với các trưởng khu phố, ngày ngày rong ruổi đến từng hộ dân để tiêm phòng. Mặc dù số lượng đàn vật nuôi của xã lên tới cả nghìn con nhưng đợt tiêm phòng đầu tiên của năm 2023, phường Quảng Tâm là một trong số đơn vị hoàn thành sớm kế hoạch tiêm phòng ở TP Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Công Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tâm nhớ lại, năm 2019 dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, địa phương tìm mọi cách xoay xở chống dịch. Cán bộ nhiều nhưng người có chuyên môn chăn nuôi, thú y ít. Anh Bính dưới sự trợ giúp của cán bộ Chi cục Chăn nuôi - Thú y xoay xở đủ đường để chống dịch.

“Nói thật, khi ấy chỉ sợ đồng chí Bính ốm thì hết người làm. Rất may, chỉ trong thời gian ngắn, dịch được kiểm soát trên địa bàn xã Quảng Tâm. Riêng đàn lợn chỉ thiệt hại khoảng 2 tấn. Quảng Tâm cũng là địa phương thiệt hại đàn lợn ít nhất so với các địa phương khác trong tỉnh”, ông Trường nhớ lại.

Lãnh đạo phường Quảng Tâm cũng thừa nhận, kể từ khi không còn chức danh cán bộ thú y phường, tính trách nhiệm, động lực làm việc của cán bộ (kiêm nhiệm) bị giảm đi nhiều. “Làm công tác thú y là giúp ích cho toàn xã hội chứ không phải thực hiện nhiệm vụ cho cá nhân, hay từng hộ gia đình. Tuy nhiên, mang tiếng là cán bộ thú ý phường nhưng "danh không chính", không chế độ, nên đời sống anh em gặp nhiều gặp khó khăn”, ông Trường chia sẻ.

Nghỉ việc vì thu nhập quá thấp

Ông Phạm Văn Dân (60 tuổi), có hơn 30 năm gắn bó với thú y phường Quảng Thành (TP Thanh Hóa). Kể từ khi chức danh cán bộ thú y phường không còn, phường Quảng Thành vận dụng nguồn kinh phí hợp pháp để ký hợp đồng với ông Dân với mức thù lao 1 triệu đồng/tháng, sau đó giảm còn 800 nghìn đồng/tháng. Cách đây 2 năm, ông Dân đã xin nghỉ việc vì mức đãi ngộ thấp.

“Nghỉ việc tôi cũng buồn lắm, nhưng không còn cách nào khác vì thu nhập quá thấp. Có năm dịch bệnh trên gia súc hoành hành, cán bộ thú y cơ sở hầu như phải làm việc cả ngày lẫn đêm để cập nhật, báo cáo tình hình dịch bệnh và phối hợp dập dịch. Bởi vậy, khi chế độ không đảm bảo thì anh em làm công tác thú y ở phường rất thiệt thòi", ông Dân chia sẻ.

Nguyên cán bộ thú y phường Quảng Thành cho biết thêm, sau gần nửa đời người gắn bó với nghề thú y, đến khi về hưu, ông không nhận được bất cứ chế độ hỗ trợ nào từ nhà nước.

Tương tự ông Dân, một số cán bộ thú y khác tại TP Thanh Hóa sau khi nghỉ việc cũng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhất là chuyển đổi công việc. Được biết, sau khi ông Dân xin nghỉ việc, phường Quảng Thành đã ký hợp đồng với một nhân viên khác làm công tác thú y. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn, nhân viên này cũng xin nghỉ việc để đi làm công nhân.

Một số lãnh đạo địa phương tại Thanh Hóa kiến nghị kiện toàn chức danh thú y tại các phường. Ảnh: Quốc Toản.

Một số lãnh đạo địa phương tại Thanh Hóa kiến nghị kiện toàn chức danh thú y tại các phường. Ảnh: Quốc Toản.

Bà Đỗ Thị Trang, Chủ tịch UBND phường Quảng Thành chia sẻ: “Phường có quy mô chăn nuôi thuộc diện lớn trên địa bàn TP Thanh Hóa. Tuy nhiên, theo quy định, ở các phường không được bố trí nhân viên thú y, nhưng chúng tôi phải thực hiện các nhiệm vụ về thú y như các xã, thị trấn, đặc biệt là tiêm phòng cho đàn chó, kiểm soát giết mổ, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân. Để thực hiện công tác thú y, phường phải hợp đồng thời vụ với người có chuyên môn và trả công theo đợt”.

Tương tự, tại phường Quảng Phú, sau khi kiện toàn chức danh thú y cơ sở theo quy định, lãnh đạo địa phương đã nhận thấy nhiều bất cập sau khi cắt chức danh này.

Ông Phạm Ngọc Hồng, Chủ tịch UBND phường Quảng Phú cho biết: “Đợt tiêm phòng vừa rồi, phường phải thuê người có chuyên môn để thực hiện tiêm phòng và trả công theo ngày lao động. Tuy nhiên, việc này phát sinh nhiều bất cập bởi trách nhiệm công việc và tính ràng buộc trong việc thực thi nhiệm vụ của họ sẽ không cao. Trong khi đó, nếu cán bộ thú y nằm trong hệ thống chính trị thì việc chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác thú y trên địa bàn dễ dàng hơn”.

Từ những khó khăn trên, ông Hồng kiến nghị, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, bố trí kịp thời nhân sự có chuyên môn chăn nuôi, thú y để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là vấn đề tiêm phòng dịch tại địa phương.

“Đối với các xã chuyển lên phường nhưng vẫn còn diện tích đất nông nghiệp và chăn nuôi lớn, nên bố trí cán bộ thú y để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Thiếu cán bộ thú ý là thiếu đầu mối nắm bắt thông tin dịch bệnh tại các địa phương”, ông Hồng cho hay.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, toàn tỉnh có 70 xã, phường không có nhân viên thú y, trong đó có 10 đơn vị không tuyển được nhân viên thú y. Việc thiếu nhân viên thú y tại các xã, phường khiến công tác quản lý chuyên ngành về thú y trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, công tác giám sát phát hiện dịch bệnh bị chậm trễ; việc triển khai các biện pháp chống dịch không kịp thời, không nhất quán, khó khăn trong công tác kiểm dịch động vật và quản lý thuốc thú y.

Trước thực tế trên, ngành thú y Thanh Hóa nói riêng, Sở NN-PTNT Thanh Hóa nói chung kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét tái lập lại các trạm thú y cơ sở, bổ sung chức danh nhân viên thú y cấp xã, ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; tăng mức thù lao đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

 
Bình luận