Gắn thương hiệu hương trầm xứ Huế với khai thác du lịch

Bình luận · 385 Lượt xem

Nét đặc trưng của hương trầm xứ Huế thể hiện rõ ở mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của trầm, đốt cháy đều và không độc hại cho sức khỏe người sử dụng.

Nhằm duy trì và phát triển làng nghề truyền thống hương trầm Thủy Xuân, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức hội nghị nghiệm thu “Tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hương trầm Huế” cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân, Thành phố Huế” do Phòng Kinh tế Thành phố Huế chủ trì thực hiện và được Quỹ Phát triển KH-CN tỉnh Thừa Thiên – Huế hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Thanh Trị, Phó trưởng Phòng Kinh tế Thành phố Huế, Chủ nhiệm dự án, nghề làm hương trầm ở làng Thủy Xuân có từ thời nhà Nguyễn và đã trở thành một nét đẹp văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô Huế, được lưu truyền và phát triển tốt cho đến nay.

PN2C

Nghề làm hương trầm Thủy Xuân thuộc Thành phố Huế đã có từ hàng trăm năm nay. Ảnh: CĐ.

Nét đặc trưng của Hương trầm xứ Huế thể hiện rõ ở mùi hương dịu nhẹ, thanh khiết của trầm, đốt cháy đều và không độc hại cho sức khỏe người sử dụng. Chính những nét đặc trưng này đã giúp cho làng nghề hương trầm Thủy Xuân tồn tại, duy trì phát triển tốt và nổi tiếng khắp cả nước, và đã bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường thế giới.

Hàng trăm nay, đối với người dân làng Thủy Xuân, nghề làm hương trầm không đơn thuần chỉ là một nghề phát triển kinh tế mà hơn thế nữa, đó còn là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân làng Thủy Xuân nói riêng và mỗi người dân Cố đô nói chung.

Trên cơ sở bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của các làng nghề truyền thống, nhiều năm trở lại đây, người dân làng Thủy Xuân đã sản xuất đa dạng các sản phẩm từ hương trầm như nụ trầm, hương trầm, vòng trầm, tinh dầu trầm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, người dân làng hương Thủy Xuân đã khai thác, phát triển loại hình du lịch truyền thống kết hợp trải nghiệm làm hương, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan.

Đến nay, làng hương Thủy Xuân trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ dành cho du khách khi đến Huế, góp phần quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của làng Hương trầm Thủy Xuân.

huong tram2

Logo nhãn hiệu tập thể "Hương trầm Huế".

Ông Nguyễn Thanh Trị cho biết thêm: Quá trình triển khai, dự án đã hoàn thành xây dựng và nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể Hương trầm Huế cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân; xây dựng được hệ thống công cụ phục vụ quản lý, sử dụng, tuyên truyền và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hương trầm Huế” cho sản phẩm hương trầm Thủy Xuân và Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu tập thể Hương trầm Huế; thiết kế hệ thống công cụ nhận diện thương hiệu “Hương trầm Huế”. Theo đó, nhóm dự án đã bám sát nội dung được phê duyệt và hoàn thành cơ bản các nội dung công việc đề ra.

Ông Hồ Thắng, Giám đốc Sở KH-CN Thừa Thiên – Huế nhấn mạnh, để việc tạo lập, bảo hộ, quảng bá và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu tập thể "Hương trầm Huế", dự án cần nêu bật bức tranh tổng quan làng nghề hương trầm Huế gắn với các giá trị lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng tâm linh nằm trong Quần thể di tích Cố đô Huế. Việc khai thác nhãn hiệu tập thể "Hương trầm Huế" phải song hành với định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong thời gian tới.

Làng hương trầm Thủy Xuân nằm trên tuyến đường tham quan du lịch lăng Tự Đức, đồi Vọng Cảnh, cách Thành phố Huế khoảng 7km về hướng tây nam. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều du khách tham quan khi đến với Cố đô Huế.

Nghề hương trầm Thủy Xuân được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định số 3192/QĐ-UBND ngày 06/12/2021.

Bình luận